Quốc hội biểu quyết thông qua Luật tố cáo (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành 96,10%. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Hai dự thảo Nghị quyết được thông qua gồm: Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 và Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019. Ba dự thảo Luật được thông qua là: Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Tố cáo (sửa đổi).
Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Liên quan đến bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng, Luật yêu cầu doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ. Doanh nghiệp nước ngoài quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Luật Tố cáo (sửa đổi) gồm 9 chương, 67 điều quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo. Theo đó, về hình thức tố cáo, Luật quy định việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi). Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Đối với những thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức nêu trên, nếu có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, bằng chứng cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan tiếp nhận thông tin phải tiến hành kiểm tra, thanh tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét giải quyết, xử lý để không bỏ sót, bỏ lọt các hành vi vi phạm pháp luật (Điều 25 dự thảo Luật).
Luật Cạnh tranh (sửa đổi) có 10 chương và 118 điều, quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.
Theo Nghị quyết chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018” tại kỳ họp 7 và giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018” tại kỳ họp thứ 8.
Theo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.407.572 tỷ đồng, tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.574.448 tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước là 248.728 tỷ đồng, bằng 5,52% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp khẩn trương rà soát, phê duyệt quyết toán các dự án sử dụng vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước đã hoàn thành đồng thời có biện pháp khẩn trương chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục triệt để, không để tiếp diễn tình trạng tồn đọng các dự án đầu tư công hoàn thành, chậm phê duyệt quyết toán. Bên cạnh đó, hướng dẫn, kiểm tra Hội đồng nhân dân các cấp trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước của cấp mình theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.
Chiều 12/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Lê Thị Nguyệt phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học nhằm khắc phục bất cập, hạn chế của Luật hiện hành; thể chế hóa chủ trương, quan điểm về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo tinh thần Hiến pháp 2013 và các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và yêu cầu về cơ cấu, trình độ, chất lượng nguồn nhân lực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cho ý kiến về tự chủ đại học, các đại biểu nhấn mạnh việc đẩy mạnh tự chủ đại học là cần thiết và phù hợp với xu thế chung của giáo dục đại học. Đi đôi với mở rộng tự chủ là tăng cường trách nhiệm giải trình và đổi mới quản trị cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là nâng cao vai trò, năng lực của Hội đồng trường. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn các khái niệm, nội hàm về quyền tự chủ, năng lực tự chủ; về phạm vi, mức độ, điều kiện thực hiện quyền tự chủ phù hợp với năng lực của cơ sở giáo dục đại học và yêu cầu cụ thể về trách nhiệm giải trình; đồng thời, cần quy định trong dự thảo Luật nguyên tắc pháp lý cần thiết nhằm tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật về vấn đề tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là về tổ chức – nhân sự, tài chính, tài sản.