Sáng 12/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường biểu quyết thông qua hai dự thảo Nghị quyết và ba dự thảo Luật. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Hai dự thảo được xem xét thông qua gồm: Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 và Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019.
Ba dự thảo Luật được xem xét thông qua là: Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Tố cáo (sửa đổi).
Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được chỉnh lý theo hướng bổ sung một chương (Chương VII) quy định về cơ quan cạnh tranh, trong đó định danh cơ quan cạnh tranh là Ủy ban cạnh tranh Quốc gia, đồng thời quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban cạnh tranh Quốc gia và thẩm quyền của những người tiến hành tố tụng cạnh tranh. Người có thẩm quyền xử lý vụ việc cạnh tranh là các thành viên Ủy ban cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm.
Khi xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh hoạt động độc lập theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số và chỉ tuân theo pháp luật. Ủy ban cạnh tranh Quốc gia thực hiện nhiệm vụ tham mưu trong quản lý Nhà nước về cạnh tranh, đồng thời thực hiện các hoạt động tố tụng trong lĩnh vực cạnh tranh một cách độc lập, tạo điều kiện để thực thi hiệu quả Luật Cạnh tranh.
Dự thảo Luật An ninh mạng trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này gồm 7 chương, 47 điều. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 20, một số vấn đề chung tiếp tục trình xin ý kiến tại kỳ họp này, gồm: bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia (Chương II); phòng ngừa, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng (Chương III); bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng đối với cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam (khoản 2 và khoản 3 Điều 26).
Trong dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật tiếp tục được xin ý kiến của đại biểu Quốc hội, gồm: Hình thức tố cáo (Điều 22); Thời hiệu tố cáo (Điều 27); Quy định rút tố cáo (Điều 33); Cấp giải quyết tố cáo cuối cùng (Điều 29, 37); Bảo vệ người tố cáo (Chương VI) và một số vấn đề cụ thể khác. Đối với hình thức tố cáo, hiện nay vẫn có ý kiến đề nghị chỉ quy định 02 hình thức tố cáo như Luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Tuy nhiên, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng hình thức tố cáo để phù hợp với sự phát triển của xã hội, đồng thời ghi nhận các hình thức tố cáo đã được quy định trong các luật khác.
Do vậy, dự thảo đang được nghiên cứu để bổ sung hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại. Để bảo đảm tính khả thi của việc mở rộng hình thức tố cáo, dự thảo Luật đã được bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về quy trình tiếp nhận tố cáo nhằm ngăn chặn việc lạm dụng các hình thức tố cáo mới được ghi nhận để tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, lợi dụng quyền tố cáo để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Phiên làm việc chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được xây dựng nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về pháp luật đối với giáo dục đại học trong thời gian qua; hoàn thiện khung pháp lý về giáo dục đại học, giải quyết những vấn đề mới phát sinh của giáo dục đại học hiện tại và đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học trong thời gian tới, phù hợp với đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục đại học, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung: mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học, đổi mới quản trị đại học, đổi mới quản lý đào tạo, đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học và sửa đổi các điều về kỹ thuật.