Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc lại ngày hôm qua, ở một số địa phương, một bộ phận người dân tụ tập đông người, một số có hành động quá khích làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân. Đáng tiếc là một bộ phận người dân không hiểu đúng bản chất của sự việc nên có hành động quá khích, cũng không loại trừ lòng yêu nước của người dân đã bị lợi dụng trong việc này, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: "Quốc hội kêu gọi đồng bào, nhân dân cả nước hãy bình tĩnh, tin tưởng vào sự quyết định của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các dự án luật Quốc hội đang thảo luận và luôn lắng nghe ý kiến của người dân”.
Tiếp đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Các đại biểu đề nghị, dự án Luật cần phân định rành mạch tính chất đặc trưng của đặc xá so với các chính sách khoan hồng khác để khắc phục hạn chế về số lượng người được đặc xá lớn, đối tượng rộng như thời gian qua.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) được xây dựng trong bối cảnh các Luật có liên quan vừa được ban hành như: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015...; nhiều quy định của dự án Luật đã bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, còn một số quy định quan trọng cần được tiếp tục rà soát để tránh chồng chéo về điều kiện được đề nghị đặc xá có nhiều nội dung tương tự như điều kiện được tha tù trước thời hạn có điều kiện tại Bộ luật Hình sự…
Ngoài ra, hiện nay các Luật có liên quan đến Luật Đặc xá cũng đã được đưa vào chương trình sửa đổi, bổ sung, như: Luật Thi hành án hình sự, Luật Lý lịch tư pháp, Luật Thi hành án dân sự, Luật Công an nhân dân... Do đó, quá trình xây dựng dự thảo Luật cần tính đến việc bảo đảm thống nhất, phù hợp giữa nội dung của Luật Đặc xá với định hướng sửa đổi các Luật này.
Về thời điểm đặc xá, nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định Luật hiện hành về 3 thời điểm đặc xá gồm: Nhân sự kiện trọng đại của đất nước; nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt, bởi quy định này phù hợp với tổng kết thực tiễn thực hiện đặc xá thời gian qua; căn cứ các quy định của Luật, Chủ tịch nước sẽ quyết định thời điểm đặc xá cụ thể đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra. Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ mới quy định về các ngày lễ lớn mà chưa quy định về sự kiện trọng đại của đất nước, vì vậy Chính phủ quy định cụ thể thế nào là sự kiện trọng đại của đất nước để bảo đảm chủ động trong triển khai thực hiện.
Liên quan đến các điều kiện được đề nghị đặc xá, một số ý kiến cho rằng việc sửa đổi điều kiện đặc xá phải đặt trong bối cảnh Bộ luật Hình sự năm 2015 mới bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện, theo đó, chế định này được thực hiện thường xuyên, mỗi năm 3 đợt.
Dự án Luật đang quy định nhiều điều kiện cụ thể của đặc xá cơ bản giống điều kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện quy định tại Bộ luật Hình sự. Nếu giữ quy định về điều kiện đặc xá như dự án Luật hoặc theo hướng chặt chẽ hơn, sẽ dẫn tới trùng lặp về chính sách do các đối tượng đủ điều kiện được xét đặc xá thì cơ bản đã được Tòa án tha tù trước thời hạn có điều kiện, nên hầu như không còn đối tượng để xét đặc xá nữa. Ngược lại, nếu sửa đổi theo hướng quy định nới lỏng hơn điều kiện đặc xá so với tha tù trước thời hạn, sẽ không khắc phục được tình trạng đặc xá với số lượng lớn như thời gian qua.
Vì vậy, các ý kiến đề xuất trong khi Nhà nước ta đang có đồng thời nhiều chính sách khoan hồng đối với người bị kết án tù, để quán triệt đúng quan điểm đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước, khắc phục được hạn chế của công tác đặc xá như thời gian qua, dự án Luật cần sửa đổi theo hướng: Chỉ quy định đặc xá đối với một số đối tượng nhất định, đặc biệt như người lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, người đang mắc bệnh hiểm nghèo, người bị kết án phạt tù là phụ nữ đang có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi…
Điều kiện đáp ứng là có ý thức cải tạo tốt, đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác. Riêng điều kiện về thời gian đã chấp hành án, nên quy định theo hướng ngắn hơn so với điều kiện quy định tại Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị không quy định cụ thể trong Luật các điều kiện được đề nghị đặc xá, Chủ tịch nước có quyền quyết định trong từng lần xét đặc xá sau khi đã cân nhắc đầy đủ các yếu tố về chính trị - xã hội, đối nội, đối ngoại, tình hình tội phạm...