Ngày 9/11, đoàn công tác của Thành ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh trao quà hỗ trợ người dân xã Hải Tân và Hải Hòa (tỉnh Quảng Trị). Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN |
Tại các xã vùng trũng của huyện Hải Lăng, ngành Y tế tỉnh Quảng Trị đã tích cực chủ động cắt cử các cán bộ y tế về từng hộ dân hướng dẫn bà con xử lý hóa chất tại các giếng nước, bể nước mưa, dọn dẹp vệ sinh môi trường…
Các trạm y tế xã, luôn sẵn sàng túc trực 24/24 giờ để khám chữa bệnh cho người dân. Đội ngũ y tế thôn bản tích cực đến từng hộ gia đình tuyên truyền người dân sử dụng nguồn nước, thực phẩm sạch an toàn đúng cách tránh xảy ra các bệnh về tiêu hóa; hướng dẫn người dân xử lý xác súc vật chết, rác thải bằng cách chôn lấp, rải vôi bột để tránh phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm; tiến hành phát hóa chất phòng, chống dịch và khử khuẩn nguồn nước.
Mặt khác, lực lượng chức năng giám sát kịp thời phát hiện, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau lũ và ngập lụt như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, ghẻ lở, cúm, sốt xuất huyết, tiêu chảy, thương hàn...
Với phương châm nước rút đến đâu, xử lý môi trường đến đó, hiện tại, một số vùng thấp trũng như xã Hải Hòa, Hải Thành, Hải Thọ đang còn bị ngập, đơn vị sẽ tiếp tục cử cán bộ tăng cường về giúp bà con vệ sinh môi trường, theo dõi tình hình dịch bệnh để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân…
* Theo thống kê của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, đợt lũ từ ngày 3 - 7/11 xảy ra trên địa bàn tỉnh đã làm 4 người chết, 40 người bị thương, 1 người mất tích; thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 951 tỷ đồng.
Công nhân Công ty Điện lực Quảng Ngãi tập trung nhân lực để khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho người dân. Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN |
Về nông nghiệp, khoảng hơn 236 ha lúa, 1.627 ha hoa màu, rau màu, 261 tấn hạt giống bị thiệt hại. Khoảng 900 con trâu, bò, dê, lợn; hơn 85.000 con gia cầm bị chết, trôi. Hàng nghìn mét kênh mương bị sạt lở; nhiều hồ đập hư hỏng. Mưa lũ làm 8 tàu cá của ngư dân bị chìm, 16 tàu bị hư hỏng; 86 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại...
Ngay sau khi lũ rút, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương nhanh chóng triển khai công tác khắc phục hậu quả lũ lụt; kịp thời xuất dự phòng ngân sách mua gạo, mì tôm, nước uống,... hỗ trợ nhân dân vùng bị thiệt hại, đảm bảo người dân không bị đói, rét. Tỉnh thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân có người bị chết trong đợt mưa, lũ.
Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ khẩn cấp cho Quảng Ngãi 1.500 tấn gạo để cứu trợ nhân dân vùng bị ngập và 200 tỷ đồng khắc phục thiệt hại. Tỉnh đề nghị hỗ trợ kinh phí trang bị thuyền nhôm cho các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại chỗ tại các xã thường xuyên bị ngập sâu; hỗ trợ 100 tỷ đồng để xây tầng 60 điểm trường học kết hợp sơ tán, tránh lũ cho nhân dân.
* Ngày 10/11, tỉnh Hưng Yên đã phát động ủng hộ đồng bào các tỉnh Nam Trung Bộ nhằm khắc phục hậu quả do bão số 12. Các cơ quan, đơn vị, đoàn thể chính trị xã hội, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trong tỉnh đã quyên góp ủng hộ số tiền gần 1 tỷ đồng.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Xuân Tuyên kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ và người lao động trong các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, nhà hảo tâm với tinh thần "tương thân tương ái" ủng hộ tối thiểu mỗi người 1 ngày lương nhằm hỗ trợ đồng bào các tỉnh Nam Trung Bộ khắc phục hậu quả do bão số 12 gây ra.
Thời gian vận động diễn ra từ ngày 10/11 đến hết ngày 25/11. Trước mắt, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hưng Yên trích từ quỹ cứu trợ của tỉnh 500 triệu đồng chuyển về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, để cùng cả nước chung tay hỗ trợ đồng bào các tỉnh bị thiệt hại do bão lụt.