Khai mạc Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV
Sáng 22/5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã khai thạc trọng thể tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp này, diễn ra ngay sau thành công tốt đẹp của Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Kỳ họp thứ 5 được chia làm 2 đợt, họp tập trung tại Nhà Quốc hội: Đợt 1 từ ngày 22/5 đến ngày 10/6; đợt 2 từ ngày 19/6 đến ngày 24/6. Dự kiến trong 23 ngày làm việc, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định những nội dung quan trọng.
Về công tác lập pháp, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết, gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 9 dự án Luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 2); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Quốc hội cũng dành 2,5 ngày thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, Phòng phóng viên đề xuất các phiên chất vấn và trả lời chất vấn làm live trong những ngày chất vấn.
Chủ tịch nước biểu dương Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có cuộc gặp mặt thân mật và biểu dương hơn 100 vận động viên (VĐV) và huấn luyện viên tiêu biểu của Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) tại SEA Games 32.
Tại buổi gặp mặt, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đồng chí Lãnh đạo đã trao Huân chương Lao động Hạng Nhì tặng VĐV Đội tuyển Điền kinh Việt Nam Nguyễn Thị Oanh; trao 37 Huân chương Lao động hạng Ba cho các VĐV khác của Đoàn đạt thành tích đặc biệt xuất sắc trong thi đấu.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đoàn Việt Nam đứng đầu bảng tổng hợp thành tích đại hội không phải với tư cách chủ nhà với 136 Huy chương vàng, 105 Huy chương Bạc và 118 Huy chương Đồng, phá 12 kỷ lục và thiết lập 4 kỷ lục SEA Games.
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vừa tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 15 để thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nêu rõ: Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp”, cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất. Dự thảo Nghị quyết bổ sung quy định về hệ quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người đồng thời giữ nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm, miễn nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ.
Dự thảo Nghị quyết gồm 22 điều, trong đó, so với Nghị quyết số 85/2014/QH13 đã sửa đổi, bổ sung 15 điều và bổ sung 4 điều; có 7 phụ lục trong đó bổ sung 2 phụ lục mới. Dự thảo Nghị quyết quy định về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân; hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm...
Trong đó, trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp tại khoản 5 Điều 6 của Nghị quyết số 85/2014/QH13 và thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị, dự thảo Nghị quyết đã bổ sung 1 điều quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm việc thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện khách quan, minh bạch và đúng pháp luật.
Dự thảo Nghị quyết bổ sung quy định về ngừng hiệu lực thi hành một số luật, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Dự thảo Nghị quyết cũng bổ sung quy định sửa đổi khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; sửa đổi khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng không quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận.
Việt Nam phản đối việc Trung Quốc lắp đặt phao đèn báo hiệu tại các thực thể ở quần đảo Trường Sa
Ngày 25/5, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung tâm Bảo đảm an toàn hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc tiến hành lắp đặt 3 phao đèn báo hiệu tại một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: "Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa cũng như quần đảo Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc lắp đặt phao đèn báo hiệu tại các thực thể ở quần đảo Trường Sa mà không được sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, vì vậy không có giá trị pháp lý".
Phó Phát ngôn Phạm Thu Hằng nêu rõ: Việt Nam yêu cầu các bên liên quan không có hành động làm phức tạp tình hình, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.