Nóng trong tuần: Không yêu cầu xác nhận tình trạng cư trú; bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế

Tuần 20-26/2, các vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm là việc tháo gỡ tình trạng bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế; không yêu cầu xác nhận tình trạng cư trú trong giải quyết thủ tục hành chính; tri ân các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành Y trên cả nước; tập trung tháo gỡ ""điểm nghẽn" để phát triển văn hóa; bắt tạm giam 3 người liên quan vụ án Nguyễn Phương Hằng; khởi tố, bắt tạm giam nguyên Giám đốc Công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca…

Không yêu cầu xác nhận tình trạng cư trú trong giải quyết thủ tục hành chính

Sáng 25/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp thứ 5 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai đề án 06 của Chính phủ. Phiên họp được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ và trực tuyến tới đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, như đến nay mới có 6/30 bộ, ngành, và 29/63 địa phương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023; quá trình thực hiện quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy (từ 01/01/2023) vẫn còn nhiều bất cập, chưa thật sự tạo thuận lợi cho người dân.

“Người dân vẫn còn nhiều phản ánh về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu giấy”, Thủ tướng chỉ rõ.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp lần thứ 5 Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động; từ quy mô quốc gia hòa nhập với thế giới; chuyển từ thủ công truyền thống sang môi trường số; phải đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, quản trị, điều hành; đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Chuyển đổi số là vấn đề mới, khó, phức tạp, cần phải tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam; phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đổi mới cách làm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Cũng theo Thủ tướng, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, với sự tham gia tích cực của toàn dân; triển khai trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, tránh chồng chéo, đầu tư dàn trải, lãng phí.

Liên quan đến vấn đề này, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 1182/VPCP-KSTT truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra thông tin báo chí phản ánh “Bỏ sổ hộ khẩu, đẩy cái khó về phía dân”.

Trước đó, báo chí ngày 19/2/2023 đăng bài "Bỏ sổ hộ khẩu: Đừng đẩy cái khó về phía dân", trong đó có thông tin: Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, cho rằng, bây giờ người dân có thể không phải đem căn cước công dân, chỉ với điện thoại có cài đặt ứng dụng VneID đưa ra quẹt là lên hết thông tin công dân. Nhưng cán bộ chúng ta chưa quen với việc ấy, chưa cập nhật được, chưa có đủ thiết bị quẹt để hiển thị các thông tin, vì vậy tốt nhất là để an toàn cho mình bằng cách yêu cầu công dân đến công an phường/xã xin xác nhận cư trú bằng giấy. Luật sư cho rằng cách làm này là "đẩy cái khó về phía dân".

Bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế

Ngày 25/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo một số bệnh viện Trung ương về tháo gỡ vướng mắc liên quan đến mua sắm trang thiết bị y tế, hóa chất xét nghiệm, sinh phẩm chẩn đoán, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh…

Chú thích ảnh
Người dân đến quầy cấp phát thuốc khi khám bằng thẻ BHYT.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế hiện vấn đề hết sức nóng, liên quan trực tiếp đến từng người dân. Trong thời gian qua, những vấn đề cấp bách trước mắt và lâu dài của ngành Y tế đã được nhận diện, làm rõ nguyên nhân, vướng mắc về thể chế để tháo gỡ, khơi thông; đồng thời đưa ra danh mục cụ thể các văn bản, điều khoản cần sửa đổi, kèm theo thời hạn hoàn thành.

Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, cùng với sự tham gia hiệu quả, thực chất của các bộ ngành để tháo gỡ, thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. “Dù còn nhiều vướng mắc, khó khăn, nhưng lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành sẽ ủng hộ Bộ Y tế, nỗ lực, cố gắng hơn nữa, phát huy tinh thần trách nhiệm của các nhà khoa học, nhà quản lý, các cơ sở khám chữa bệnh”, Phó Thủ tướng nói.

Theo thông tin từ Bệnh viện Việt Đức, sau cuộc họp với các khoa phòng ngày 22 và 23/2, bệnh viện đã có thông báo hạn chế tối đa mổ phiên (mổ theo lịch), chỉ duy trì mổ cấp cứu. Hiện bệnh viện Việt Đức chỉ còn đủ hóa chất dùng cho xét nghiệm cơ bản trong một tuần, thiếu vật tư điều trị cho bệnh nhân xẹp đốt sống. Trước đó, bệnh viện cũng đã thông báo thiếu hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống...

Gặp mặt, tri ân đại diện các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành Y tế cả nước

Tuần 20-26/2, sự kiện nổi bật được dư luận quan tâm là các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2023).

Sáng 23/2, tại Phủ Chủ tịch, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt các thầy thuốc, cán bộ đại diện cho các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành Y tế cả nước.

Thay mặt Nhà nước, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất, lời tri ân sâu sắc đến đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, nhân viên của ngành Y tế. Quyền Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn chăm lo, lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư cho ngành Y tế, nhất là trong lĩnh vực thể chế với việc hoàn thiện Luật khám bệnh, chữa bệnh mới đây. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của toàn ngành, sự đồng hành của toàn xã hội, ngành Y tế đã không ngừng phát triển về mọi mặt. Hiện, toàn ngành có 500 nghìn cán bộ, y bác sĩ với chất lượng, trình độ chuyên môn ngày càng cao, nhiều chuyên gia ngang tầm thế giới.

Ngày 24/2, bốn cơ quan báo chí chủ lực gồm: Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Chương trình gặp mặt, tri ân cán bộ y tế nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2 nhằm cổ vũ, động viên và tri ân những đóng góp của những người thầy thuốc.

Tại chương trình tri ân cũng diễn ra 2 cuộc toạ đàm với chủ đề: “Nỗ lực vì sức khoẻ nhân dân” và “Y tế vượt khó” với sự tham gia của các chuyên gia, những nhà lãnh đạo trong ngành y tế, chia sẻ về những đóng góp của những những người thầy thuốc, những người làm trong ngành y tế. Cùng với những nhiệm vụ rất nặng nề nhưng đầy vinh quang và tự hào; còn là những khó khăn của ngành y và những nỗ lực để khắc phục, để tiếp tục phục vụ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân tốt nhất.

Tại Chương trình, thay mặt các cơ quan báo chí, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh khẳng định: “Ngày 27/2 đã được chọn là Ngày thầy thuốc Việt Nam, là dịp để toàn xã hội ghi nhận, tri ân những đóng góp to lớn của đội ngũ những người công tác trong ngành y tế đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 đầy gian nan và thử thách vừa qua, đã chứng kiến biết bao nghĩa cử cao đẹp, sự nhiệt huyết, tấm lòng nhân ái của đội ngũ cán bộ và nhân viên y tế không ngại gian khổ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, họ vẫn dấn thân”.

Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn để phát triển văn hóa

Ngày 22/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một số bộ, ngành liên quan cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa thuộc Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 - 2030 (Chương trình).

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng nêu rõ, sau 1 năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021) với những tổng kết, đánh giá về lý luận, thực tiễn cũng như con đường phát triển của văn hóa cùng với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nhiều vấn đề mới đã được đặt ra như văn hóa trong Đảng, hệ thống chính trị, nhân dân; văn hóa trong xã hội số; văn hóa môi trường…

Nhấn mạnh xây dựng văn hóa trong xã hội số là lĩnh vực rất mới, Phó Thủ tướng gợi mở hướng tiếp cận không đơn thuần số hóa các di tích, di sản văn hóa, lịch sử mà cần nghiên cứu cơ bản, thiết lập hệ quy phạm, quy chuẩn đạo đức, ứng xử trên không gian số.

Nhắc lại câu nói “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Bác Hồ, Phó Thủ tướng nêu, nghiên cứu cơ bản về văn hóa phải đi trước, làm cơ sở nâng cao nhận thức về văn hóa trong mọi lĩnh vực, mọi giai tầng của xã hội; trả lời câu hỏi về vai trò của văn hóa để đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng…

Khởi tố, bắt tạm giam nguyên Giám đốc Công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca

Ngày 22/2, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với ông Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự. Các quyết định, lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê chuẩn.

Trong quá trình điều tra vụ án hình sự "Trốn thuế", "Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước", Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện một nhóm đối tượng thành lập các công ty "ma" để mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế.

Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ, khởi tố, tạm giam các bị can Trương Xuân Đước (sinh năm 1971); Nguyễn Thị Ngọc Anh (sinh năm 1979, là vợ Đước); Trương Văn Nam (sinh năm 1990) đều trú tại thành phố Hải Phòng về tội "Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ nộp ngân sách nhà nước", quy định tại Điều 203, Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra còn có 3 đối tượng khác bị khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú về tội "Trốn thuế", quy định tại Điều 200, Bộ luật Hình sự.

Liên quan đến vụ án trên, Cơ quan điều tra còn làm rõ hành vi nhận tiền chạy án cho một số đối tượng trong vụ án của Đỗ Hữu Ca (sinh năm 1958, trú tại xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng).

Sau khi ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, khám xét nơi ở của Đỗ Hữu Ca, ngày 22/2, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Đỗ Hữu Ca về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Hiện Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Liên quan vụ án Nguyễn Phương Hằng: Khởi tố, bắt tạm giam Đặng Thị Hàn Ni, Đặng Anh Quân, Trần Văn Sỹ để điều tra

Tối 25/2, Cơ quan Cảnh sát (CSĐT) điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Trần Văn Sỹ. Các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh phê chuẩn.

Trước đó, sau khi mở rộng điều tra vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” do Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm thực hiện, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh xác định Đặng Anh Quân (SN 1978, chỗ ở hiện nay: xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, giảng viên Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh) đã trực tiếp tham gia nhiều buổi livestream cùng bị can Nguyễn Phương Hằng.

Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 24/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Đặng Anh Quân. Trong các buổi livestream này, Đặng Anh Quân đã phát ngôn, bình luận, cùng tương tác với Nguyễn Phương Hằng về những nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của nhiều cá nhân. Hành vi của Đặng Anh Quân là giúp sức tích cực cho Nguyễn Phương Hằng thực hiện hành vi phạm tội liên tục, nhiều lần trong thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm phức tạp tình hình trên không gian mạng, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự an toàn xã hội. Hành vi của Đặng Anh Quân đủ yếu tố cấu thành tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ Luật hình sự.

Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Đặng Thị Hàn Ni (SN 1977, chỗ ở hiện nay: phường Tân Thuận Đông, Quận 7, TP Hồ Chí Minh) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ Luật hình sự.

Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh tiếp nhận, thụ lý xác minh tố giác của ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo bà Đặng Thị Hàn Ni và ông Trần Văn Sỹ đã đăng tải các đoạn ghi hình với nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm của ông Huỳnh Uy Dũng, Nguyễn Phương Hằng, xâm phạm lợi ích hợp pháp của Công ty cổ phần Đại Nam và Quỹ từ thiện Hằng Hữu.

XL/Báo Tin tức
Thực hiện các giải pháp giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT
Thực hiện các giải pháp giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT

Nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động (NLĐ), Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ban hành công văn số 479/BHXH-TST yêu cầu các đơn vị trực thuộc; BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường triển khai các giải pháp, phấn đấu giảm số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) năm 2023 xuống mức thấp nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN