44 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc
Tuần 13-19/2, sự kiện nổi bật được dư luận quan tâm là 44 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979 – 17/2-2023). Đã 44 năm trôi qua, nhìn lại Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc để thêm một lần nữa khẳng định sự thật lịch sử và tính chính nghĩa của dân tộc Việt Nam - một dân tộc không bao giờ chịu quỳ gối trước bất kỳ thế lực ngoại xâm nào, sẵn sàng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, vì độc lập, tự do, vì khát vọng hòa bình.
Đây còn là dịp để tôn vinh, tri ân những người đã ngã xuống vì sự bình yên của bờ cõi biên cương; đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ và nhắc nhở tất cả các thế hệ người dân Việt hôm nay và mai sau phải trân trọng giá trị của hòa bình, xây dựng đất nước giàu mạnh, đủ sức đối phó với mọi tình huống, có chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, "giữ nước từ khi nước chưa nguy".
Hoạt động cứu hộ cứu nạn của Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá cao
Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ), ý chí quyết tâm, tinh thần dũng cảm, không ngại khó, ngại khổ của đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn của Quân đội Nhân dân Việt Nam đang tham gia cứu hộ cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ sau trận động đất kinh hoàng ngày 6/2 vừa qua đã để lại ấn tượng hết sức sâu sắc đối với người dân nước sở tại, giúp cho nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng, bạn bè quốc tế nói chung hiểu về đất nước Việt Nam, hiểu tình cảm và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng, đối với nhân loại.
Tuần 13-19/2, các lực lượng cứu hộ cứu nạn của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Công an Việt Nam tiếp tục hiệp đồng, phối hợp với các lực lượng tìm kiếm, khắc phục hậu quả động đất tại tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, kịp thời xác định nhiều điểm có người mắc kẹt trong các đống đổ nát, bàn giao cho chính quyền và lực lượng chức năng nước sở tại tìm kiếm giải cứu, xử lý.
Sau 10 ngày xuất quân tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ (CNCH) sau thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đoàn công tác quốc tế của Bộ Công an Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và sẽ trở về nước trong ngày 19/2. Lực lượng cứu hộ cứu nạn của Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp tục ở lại Thổ Nhĩ Kỳ, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn.
Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Tuần 13-19/2, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững tổ chức sáng 17/2 do đích thân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách và dư luận xã hội.
Trên tinh thần “nói thẳng, nói thật, nói hết; khách quan, trung thực”, tại hội nghị, các đại biểu đánh giá thực trạng của thị trường bất động sản, những khó khăn, vướng mắc; đề xuất giải pháp đối với lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực liên quan để thúc đẩy thị trường bất động sản tiếp tục phát triển lành mạnh, bền vững.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững thì các chủ thể liên quan từ Nhà nước, doanh nghiệp, khách hàng, người dân cần chung sức, đồng lòng giải quyết, trên tinh thần “đã nói phải làm; đã cam kết phải thực hiện; đã thực hiện phải có kết quả đo đếm được”; phải giải quyết cả những vấn đề trước mắt và lâu dài, song không chuyển trạng thái đột ngột; tuân thủ quy luật thị trường theo quy luật cung cầu, bình đẳng với các thị trường khác, nhất là về giá cả.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường quản lý nhà nước trong việc phát triển thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, phản ứng chính sách kịp thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý những vấn đề nổi lên. Ngành Tài chính, Ngân hàng phải khơi thông dòng vốn, giải quyết các vấn đề vướng mắc về tín dụng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn...
Riêng các doanh nghiệp bất động sản phải chủ động, giải quyết những vấn đề nội tại do chính doanh nghiệp để xảy ra; cơ cấu lại các dự án, điều chỉnh các phân khúc; điều chỉnh giá cả; thúc đẩy thanh khoản.
Đối với các ngân hàng thương mại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiết giảm các chi phí để tiết kiệm chi, tăng cường chuyển đổi số, giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay; cơ cấu lại các nhóm n
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chính quyền các cấp thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong xét duyệt, cấp phép các dự án; tập trung xây dựng, hoàn thiện quy hoạch để có cơ sở triển khai các dự án; đồng thời quản lý quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch kịp thời, phù hợp; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng.
Thủ tướng cho biết, sắp tới Chính phủ sẽ có Đề án về phát triển nhà ở xã hội dành cho cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân; sau hội nghị này, Chính phủ sẽ có nghị quyết về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; yêu cầu các chủ thể triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ, vài trò của mình.
Dành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho phát triển nhà ở xã hội
Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững diễn ra ngày 17/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua thị trường bất động sản có tăng trưởng cao, nhưng hiện nay thị trường này đang gặp một số khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
"Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn về bất động sản vừa được Ngân hàng Nhà nước tổ chức, tôi cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục dành nguồn vốn cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở; tiết kiệm chi phí hoạt động để cho vay với lãi suất thấp hơn. Chúng tôi có quan điểm như sau, để phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững thì cần phải hướng tới phục vụ đa số người dân, đặc biệt là người có nhu cầu thực về nhà ở, hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá, trục lợi", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói.
Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng tăng trưởng tín dụng từ 14 - 15%, cao hơn mức 14,17% của năm ngoái. Ngân hàng Nhà nước cũng không có room kiểm soát riêng tín dụng về bất động sản.
Đối với đề xuất của Bộ Xây dựng về gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc có một gói tín dụng riêng cho lĩnh vực này là cần thiết, để tăng cung về nhà ở xã hội, giúp giảm mất cân đối với thị trường bất động sản.
Thống đốc cho biết thêm, Ngân hàng Nhà nước đã họp với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và thống nhất dành một gói tín dụng cho lĩnh vực này trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Quy hoạch nông thôn mới: Thực hiện sớm để tránh lãng phí trong quá trình đô thị hoá
Tuần 13-19/2, Hội nghị Toàn quốc quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hoá giai đoạn 2021 – 2025 được tổ chức. Đây là hội nghị quan trọng, có sự liên quan tới nhiều bộ ngành và được dư luận đặc biệt quan tâm.
Lãnh đạo các bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Xây dựng… đã có nhiều bài phát biểu quan trọng, mang tính định hướng cao cho công tác quy hoạch, xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo.
Trên thực tế, công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới (ở cả cấp huyện và cấp xã) đã giúp bộ mặt nông thôn có những khởi sắc rõ rệt, hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, cơ cấu lại ngành công nghiệp đã phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn.
Tuy nhiên sau một thời gian triển khai cũng bộc lộ ra một số cần phải rà soát lại trong đó có sự thay đổi về mặt xã hội, văn hóa, lối sống nông thôn nhanh chóng tác động đến các vấn đề xây dựng, trong khi còn thiếu các quy định hướng dẫn cụ thể cho công tác quy hoạch tại các xã ven đô, các xã, huyện được quy hoạch thành đô thị. Nhiều khu vực cận đô thị phát triển một cách tự phát, kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân và lãng phí nguồn lực đầu tư.
Các giải pháp được xác định gồm: Nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện các quy hoạch gắn với việc thực hiện bộ tiêu chí NTM các cấp; Đẩy mạnh đô thị hóa khu vực nông thôn trên nền tảng kế thừa kết quả xây dựng NTM; Gắn kết chặt chẽ với quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp hướng đến "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, và điều quan trọng là phải bảo đảm được bản sắc của các vùng miền.
Điều chỉnh điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học
Thông tin được phụ huynh và học sinh quan tâm trong tuần qua là điều chỉnh mức cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh ĐH. Cụ thể, việc cộng điểm ưu tiên sẽ giảm dần khi thí sinh đạt từ 22,5 điểm cho đến mức 30 điểm thì không cộng điểm ưu tiên.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thống kê điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của 3 năm qua, nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên (chiếm 25% tổng số thí sinh tốt nghiệp) luôn có phổ điểm tổng 3 môn cao hơn hẳn so với các nhóm thí sinh được cộng điểm ưu tiên. Tuy nhiên, phân tích dữ liệu cho thấy có sự bất hợp lý, đó là tỷ lệ thí sinh đạt cao, từ 22,5 điểm trở lên của nhóm được cộng điểm ưu tiên lại tăng vọt, cao hơn hẳn so với nhóm thí sinh không thuộc diện ưu tiên. Điều này dẫn tới sự mất công bằng khi thí sinh tiếp cận, ứng tuyển vào các ngành, trường có mức độ cạnh tranh cao, thậm chí dẫn tới hiện tượng một số ngành có điểm chuẩn tiệm cận 30 điểm. Việc tính mức điểm ưu tiên mới này sẽ tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng ưu tiên khác nhau.
Cụ thể, mức điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được tính theo công thức sau: Mức điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng.
Theo các chuyên gia, việc áp dụng chính sách ưu tiên nhằm tăng cơ hội tiếp cận giáo dục - đào tạo bậc cao đối với các thí sinh ở vùng khó khăn và thuộc đối tượng ưu tiên là cần thiết. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách ưu tiên cần đảm bảo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh. Bởi, thực tế nhiều năm qua, tổng số thí sinh thuộc diện hưởng các ưu tiên khác nhau là rất lớn, chiếm tới 75% tổng số thí sinh tốt nghiệp hằng năm. Từ năm 2023, chính sách tính điểm ưu tiên điều chỉnh giảm dần với các thí sinh đạt điểm cao là phù hợp thực tiễn thi cử, tuyển sinh hiện nay. Điều chỉnh này vừa tạo công bằng giữa các nhóm thí sinh vừa góp phần giúp các trường có mức điểm chuẩn cao tuyển được người học sát với năng lực thật.