Hỗ trợ doanh nghiệp: Việc không thể chậm trễ-Kỳ cuối: Độ trễ của chính sách càng ngắn thì hiệu quả càng cao

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư Hướng dẫn thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn một số khoản thu Ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ có hiệu lực kể từ ngày 23/5.

TS Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cũng khẳng định: Bộ Tài chính sẽ thực hiện các nhóm giải pháp về tháo gỡ khó khăn cho DN ngay trong tháng 5/2012 để các DN cảm nhận được sự sẻ chia khó khăn từ phía Chính phủ.

Triển khai nhanh chóng


Đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây cũng cho rằng: Trong nhóm giải pháp của Nghị quyết 13, có giải pháp có tác dụng ngay. Chẳng hạn như giãn và hoãn thuế giá trị gia tăng (GTGT) 6 tháng và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), tức là khi doanh nghiệp (DN) có doanh số thì sẽ được giữ lại một khoản tiền chưa phải nộp, coi như là khoản đó được vay với lãi suất 0% để tái sản xuất. Trong trường hợp này, Chính phủ đã nhận khó khăn về mình, để tạo thuận lợi cho phía DN. Bởi, toàn bộ cân đối tài chính của đất nước phải tính từ nguồn khác để bổ sung cho hoạt động thường xuyên đang sử dụng ngân sách đó.


Nhận hồ sơ thuế tại bộ phận một cửa của Cục thuế Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Hùng – TTXVN

 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, gói giải pháp 29.000 tỷ đồng không phải là nhiều. Vì vậy, cần chọn đúng những DN đang gặp khó khăn thật sự do những nguyên nhân chủ quan nhưng vẫn có khả năng “đứng dậy” và khả năng cạnh tranh cao. Khi thực hiện gói hỗ trợ này phải tránh hình thức tiếp cận gói hỗ trợ bằng các mối quan hệ thân quen, mặc cả, “đi đêm”… nên thực hiện minh bạch, đúng quy trình và tiêu chuẩn. Có như vậy mới tạo được lòng tin cho DN.


Theo Tiến sỹ, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, DN thực chất đã gặp khó khăn từ năm 2011, số DN giải thể tại thời điểm đó đã lên tới 80.000 DN. Do đó, chương trình hỗ trợ DN lẽ ra đã phải được triển khai sớm hơn. Tuy vậy, theo ông Long, "muộn còn hơn không" và việc cần làm hiện nay đối với các cơ quan chức năng là tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp khác, hỗ trợ DN cả ở đầu ra lẫn đầu vào. Đối với các nguồn lực sản xuất, các ý kiến cho rằng nên tiếp tục tiến hành hạ lãi suất, phù hợp với lạm phát nhưng cũng phải đảm bảo giúp DN có thể tiếp cận và hấp thụ vốn. Cơ quan quản lý cũng cần có các chương trình kích thích tiêu dùng, thông qua nâng cao thu nhập, giảm bớt thuế thu nhập cho người dân...

 

Giám sát chặt chẽ


Trong Chương trình "Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời" trên Đài Truyền hình Việt Nam gần đây, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã khẳng định: Quan điểm của Bộ Tài chính là tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ chính sách, vốn, tài chính cho DN. Để các giải pháp hỗ trợ đến với DN phát huy hết tác dụng thì phải nhanh, kịp thời và rõ ràng, minh bạch, cụ thể trong điều hành.


Theo người đứng đầu Bộ Tài chính, với nhóm giải pháp chi tiêu công, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân đối với các dự án đầu tư công. Theo đó, ngay trong quý II và quý III/2012 sẽ đẩy nhanh, đúng địa chỉ các công trình trọng điểm, làm sao để tốc độ giải ngân của kỳ này sẽ tăng so với quý trước. Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Kho bạc Nhà nước tháo gỡ mọi khó khăn về vốn cho các công trình, kể cả ứng trước vốn theo quy định để tạo công ăn việc làm, tạo ra thị trường để tiêu thụ vật liệu sản phẩm hàng hóa cho DN.


Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, đối với đầu vào, giải pháp giãn thuế giá trị gia tăng (GTGT), giãn tiền thuế sử dụng đất, giảm thuế TNDN... sẽ giúp cho DN tiết kiệm chi phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dự tính, số tiền từ nhóm giải pháp này sẽ tạo ra cho DN là khoảng 16.000 tỷ đồng mà không phải chịu lãi. Kết quả sẽ tác động trực tiếp đến giảm giá thành, chi phí sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao tính cạnh tranh.


Đề cập tới việc các DN còn băn khoăn về thủ tục hỗ trợ, đại diện Bộ Tài chính trả lời: Nguyên lý là hỗ trợ DN phải nhanh, kịp thời và dễ dàng. Bộ Tài chính đang chỉ đạo các cơ quan, đặc biệt là Tổng cục Thuế, ngay khi ban hành Thông tư sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ thuế các cấp và tổ chức triển khai khẩn trương. “Tất cả những hành vi thiếu trách nhiệm, cố tình gây khó khăn cho DN, những hành vi tiêu cực nếu có của cán bộ thuế sẽ bị xử lý nghiêm minh”, Bộ truởng Huệ nói.


Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã soạn thảo chủ động văn bản hướng dẫn, với những tiêu chí, đối tượng cụ thể rõ ràng, đăng tải trên website Chính phủ và Bộ Tài chính. Theo đó, các DN sẽ căn cứ vào đó xem mình có nằm trong diện ưu đãi hay không và cũng là tăng cường thanh tra giám sát thực thi với các chính sách này.


Mới đây, lãnh đạo Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết: Nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thành phố đã thực hiện chính sách gia hạn nộp thuế theo Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ cho hơn 7 vạn DN nhỏ và vừa trên địa bàn. Đại diện Cục Thuế Hà Nội cũng khẳng định: Những đối tượng được hưởng ưu đãi cũng sẽ được rà soát, thực hiện nghiêm nhằm giúp tiền thuế giãn, giảm đến đúng đối tượng.

Hỗ trợ doanh nghiệp: Việc không thể chậm trễ-Kỳ cuối: Độ trễ của chính sách càng ngắn thì hiệu quả càng cao
Hỗ trợ doanh nghiệp: Việc không thể chậm trễ-Kỳ cuối: Độ trễ của chính sách càng ngắn thì hiệu quả càng cao

Bộ Tài chính sẽ thực hiện các nhóm giải pháp về tháo gỡ khó khăn cho DN ngay trong tháng 5/2012 để các DN cảm nhận được sự sẻ chia khó khăn từ phía Chính phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN