Hỗ trợ doanh nghiệp: Việc không thể chậm trễ: Kỳ 2: “Kê đơn thuốc” cứu doanh nghiệp: Chọn thuốc và liều lượng cho hợp lý

Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP, trong đó tập trung nhiều vào các giải pháp giãn, giảm thuế. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp (DN) cũng như các chuyên gia kinh tế, các giải pháp về thuế nếu không đủ “liều” sẽ không đủ sức để cứu DN. “Đơn thuốc” cứu DN sẽ cần có thêm các loại “thuốc” để tháo gỡ khó khăn thị trường và giải quyết những khó khăn về tín dụng của DN.

 

Liệu có phải là nặng về giải pháp thuế?


Mới đây nhất, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn một số khoản thu ngân sách nhà nước (NSNN) theo Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, kể từ ngày 23/5 một số doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động được gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) của tháng 4, tháng 5, tháng 6 năm 2012; gia hạn 9 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với số thuế TNDN phải nộp của năm 2010 trở về trước mà đến ngày 10/5 doanh nghiệp chưa nộp NSNN… Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, ước tổng mức thuế GTGT giãn nộp lên đến 12.300 tỷ đồng.


 

Sản xuất giầy xuất khẩu tại Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Tuy nhiên, khi đề cập tới nhóm giải pháp này, một số DN lại tỏ vẻ không mặn mà. Theo lãnh đạo một doanh nghiệp xi măng ở Hải Phòng, từ nhiều tháng nay, DN đã phải dừng lò nung 2 lần dù mỗi lần dừng như vậy, chi phí khởi động lại lên tới hàng tỷ đồng. Nguyên nhân phải hoạt động cầm chừng là do DN không có nguồn tiền lấy than, trong khi các đầu mối bán hàng không cho nợ tiếp. Bên cạnh đó, đầu ra của DN cũng gặp vô vàn khó khăn. Lãnh đạo DN than thở: "Nếu không có cách nào cải thiện sức mua xi măng thì dù có được Nhà nước cho giảm thuế, chúng tôi cũng không có lãi mà nộp, không có vốn để tiếp tục sản xuất".


Tương tự, ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, việc giãn giảm thuế không mấy ý nghĩa với DN ngành da giày. Bởi, đơn hàng của phần lớn DN da giày đã giảm 30 - 40% nên sẽ đóng thuế thu nhập không nhiều. Đồng quan điểm, ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, việc giảm thuế TNDN chưa có tác dụng nhiều và chưa thực sự là “phao” đối với DN tại thời điểm này, bởi không phải DN nào cũng làm ăn có lãi để tận dụng được việc giảm thuế thu nhập.


Hiện nay, nhiều DN dệt may cho biết, điều họ cần nhất trong thời điểm này là giảm thuế GTGT. Tuy việc giảm thuế GTGT không hỗ trợ trực tiếp cho DN nhưng lại có tác dụng giảm giá thành sản phẩm, từ đó giúp tăng sức mua và kích cầu thị trường. Tiến sỹ - chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh hoàn toàn đồng tình với quan điểm đề xuất về việc giảm thuế GTGT. “Giảm hẳn thuế GTGT có lợi cho người tiêu dùng thì chính là có lợi cho doanh nghiệp. Khi có lợi, người dân mới bỏ tiền ra mua hàng tiêu dùng, cải thiện tâm lý của người tiêu dùng, từ đó mới có tác dụng kích cầu giảm được hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Ánh nói.

 

Tăng cường các giải pháp về tín dụng và kích cầu


Bên cạnh những giải pháp về thuế, nhiều ý kiến của DN và các chuyên gia kinh tế cho rằng, DN rất cần được hỗ trợ thông qua các biện pháp về tín dụng và thị trường. Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam phản ánh: DN vẫn rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, lãi suất mặc dù có xu hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao.


Trên thực tế, các yếu tố đầu vào tăng mạnh thời gian qua đã khiến cho nguyên phụ liệu trong nước có giá cao hơn nguyên phụ liệu nhập khẩu. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, nhiều chủ hàng nhập khẩu hàng may mặc đã chuyển nguyên liệu sang cho DN Việt Nam, thay vì sử dụng nguyên phụ liệu sản xuất trong nước. Thực tế này khiến các đơn vị sản xuất nguyên phụ liệu trong nước không bán được hàng, trong khi các DN dệt may buộc phải quay trở lại phương thức gia công đơn thuần mà họ đã nỗ lực trút bỏ trong nhiều năm qua. Bởi vậy, theo bà Đặng Phương Dung: “Ngoài mong muốn được giảm thuế GTGT, đối với các đơn vị kinh doanh nội địa, thì việc kéo lãi suất về mặt bằng thấp hơn hiện tại được xem là phao cứu sinh và cú hích thật sự với DN”.


Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa cũng cho rằng, việc giảm 30% thuế TNDN trong gói hỗ trợ trên thực chất cũng chỉ hướng vào các DN lớn, làm ăn có lãi. Còn không ít DN nhỏ và vừa đang ở tình trạng “chết lâm sàng” sẽ khó được hưởng chính sách này. Vì thế, gói hỗ trợ trên đưa ra cũng phần nào hỗ trợ cho DN, song điều DN cần hơn lúc này chính là giảm tiếp lãi suất cho vay. Có như vậy, các DN mới có cơ hội tiếp cận vốn để khôi phục hoạt động cũng như mở rộng sản xuất...


Trước những ý kiến được đưa ra, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) Vũ Nhữ Thăng cho biết, thực tế đề xuất của Bộ Tài chính về các giải pháp tài chính được hợp thức hóa trong Nghị quyết 13 không chỉ tập trung vào thuế mà còn hướng vào các nhóm giải pháp khác như điều hành vĩ mô, chi tiêu công, điều hành giá, thủ tục hành chính thuế. Trong đó, điểm đáng lưu ý là nhóm giải pháp tăng chi tiêu công trị giá khoảng 3.560 tỷ đồng bao gồm bổ sung 460 tỷ đồng để làm vốn đối ứng cho các dự án ODA và 2.100 tỷ đồng để đầu tư các dự án cấp bách từ nguồn tăng thu NSNN năm 2011; dành thêm 1.000 tỷ đồng cho vay đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn (bao gồm cả các trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp)… cũng đã được đề ra. Nhóm giải pháp này sẽ tạo ra cầu về vật liệu xây dựng và hàng loạt hàng hóa là đầu vào khác cho các dự án hạ tầng cơ sở, từ đó, giúp các DN tiêu thụ sản phẩm, giảm bớt khó khăn…


Tại Nghị quyết 13, Chính phủ cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, thận trọng, sử dụng chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán hợp lý để thực hiện kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và giảm được mặt bằng lãi suất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN vay được vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nhất là đối với những DN có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính.

 

Nhóm Phóng viên KT - XH

Kỳ 3: Độ trễ của chính sách càng ngắn thì hiệu quả càng cao


Hỗ trợ doanh nghiệp: Việc không thể chậm trễ-Kỳ 1: Lo ngại về tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động
Hỗ trợ doanh nghiệp: Việc không thể chậm trễ-Kỳ 1: Lo ngại về tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) đang gặp rất nhiều khó khăn. Để hỗ trợ cho DN và đảm bảo ổn định kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN