Giám sát doanh nghiệp vận tải hứa giảm cước

Lần thứ 13 trong năm 2014, giá xăng đã giảm tới hơn 2.000 đồng/lít vào ngày 22/12, nhưng vẫn rất ít doanh nghiệp (DN) vận tải giảm giá cước. Liên Bộ Tài chính - Bộ GTVT sẽ sớm kiểm tra để đảm bảo các DN không “hứa suông” khi cam kết giảm giá.

Nhiều doanh nghiệp vận tải TP Hồ Chí Minh đã giảm giá cước.


Nhiều DN tại TP Hồ Chí Minh đã giảm giá cước

Tính từ đầu năm 2014, giá xăng đã giảm 5.330 đồng/lít (giảm 25%), giá dầu giảm 6.590 đồng/lít (giảm 35%). Ngay sau ngày 22/12, Bộ GTVT đã có công điện gửi các tỉnh, thành phố đề nghị kiểm tra kê khai, niêm yết giá cước vận tải, thực hiện giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu giảm.

Việc kiểm tra kê khai giá cước sẽ làm rõ những chi phí hình thành cước vận tải. Nếu DN kê khai giá nhiên liệu đầu vào cao, cố tình không hạ giá cước sẽ bị xử lý, truy thu thuế.

Tại TP Hồ Chí Minh ngày 27/12 vừa qua, Sở GTVT thành phố đã có văn bản đề nghị các DN vận tải giảm giá cước. Hầu hết DN vận tải hành khách tại các bến xe của thành phố đã có kế hoạch giảm giá cước phù hợp và áp dụng luôn cho dịp Tết Nguyên đán 2015.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Tạ Long Hỷ, Giám đốc Công ty Taxi Vinasun cho biết: Các hãng taxi đang làm thủ tục giảm giá cước và dự kiến sẽ áp dụng mức cước mới từ đầu năm 2015. Giám đốc Công ty Vận tải hàng hóa Hưng Phát Nguyễn Văn Hưng cho biết: Công ty đã giảm giá cước vận tải 3 - 5% tùy theo tuyến đường.

Chẳng hạn tuyến từ Cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) đi đến Ga Sóng Thần (Bình Dương), giá cũ là 2,4 triệu đồng/chuyến đối với xe container 40 feet sẽ giảm từ 200.000 - 300.000 đồng/chuyến.

Ông Thái Văn Truyền, Phó trưởng ga Sài Gòn cho biết, trước mắt, để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn đã giảm 10% giá vé của tàu khách

Nghị định 109/2013/CP của Chính phủ về quản lý phí, giá, hóa đơn quy định: Trường hợp quá thời hạn quy định mà các đơn vị không thực hiện kê khai giảm giá cước theo xu hướng giảm giá nhiên liệu, sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 11, với mức phạt từ 5 - 30 triệu đồng. Đồng thời, số tiền chênh lệch giá do vi phạm sẽ phải nộp vào ngân sách.

Thống nhất và Khu đoạn kể từ ngày 1/1/2015 đến hết ngày 1/2/2015.

Các DN phía Bắc cam kết

Chủ tịch Tập đoàn Vận tải Mai Linh Hồ Huy khẳng định: Mai Linh cam kết sẽ giảm tiếp giá cước từ 500 - 1.000 đồng/km. Tuy nhiên, thời điểm giảm còn phải thống nhất với các DN thành viên và cơ quan chức năng. Vì trước đó, ngày 14/11/2014, DN đã điều chỉnh giảm giá từ 500 - 2.000 đồng/km trên toàn hệ thống, tùy từng khu vực và loại xe.

Song, ông Hồ Huy cũng băn khoăn: Mỗi lần điều chỉnh giá cước, toàn bộ taxi của hệ thống sẽ phải ngưng hoạt động để cơ quan chức năng kiểm tra đồng hồ tính tiền, sau đó mới lập trình lại. Sau lập trình, cơ quan quản lý đến kiểm tra lần nữa mới được vận hành. Với số lượng xe rất lớn, mỗi lần kiểm định, DN tốn rất nhiều thời gian và chi phí.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Thái Nguyên Nguyễn Mạnh Hà, các DN vận tải của tỉnh hiện đã cam kết giảm giá cước trên cả ba lĩnh vực vận tải taxi, xe khách tuyến cố định và xe buýt. Cụ thể, giá mở cửa của các hãng taxi sẽ giảm còn khoảng 6.000 đồng/km đầu tiên, từ km thứ hai đến dưới 20 km, còn 9.500 đồng/km.

Mức cước này gần ngang bằng thời điểm năm 2005 - 2006. Vận tải khách tuyến cố định cũng sẽ giảm bình quân khoảng 5.000 đồng/vé; xe buýt giảm 10.000 đồng/vé tháng. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nam Ðịnh Nguyễn Văn Thạc cho biết: Hiệp hội đã họp với các DN vận tải đề nghị cam kết giảm giá cước. Giá xăng dầu chiếm khoảng 45% chi phí đầu vào, nếu các DN không giảm giá cước vận tải theo giá xăng, dễ khiến người dân quay lưng lại với các dịch vụ vận tải.

Nghệ An là một trong số ít tỉnh phía Bắc hiện nay có nhiều tuyến vận tải cố định chạy tới khắp các địa phương trong cả nước. Đến thời điểm này, tỉnh đã có hơn 50 DN chủ động ký cam kết giảm giá cước với Sở GTVT, mức giảm cao nhất tới 22% sau đợt giá xăng dầu giảm “sốc” ngày 22/12.

Theo ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), Nghệ An là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai đồng loạt cho các DN vận tải ký cam kết giảm giá cước, trong bối cảnh giá xăng giảm mạnh.

Giám đốc Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) Nguyễn Tất Thành khẳng định: Đợt giảm xăng hồi đầu tháng 11/2014, đã có 20/100 DN đăng ký hoạt động tại bến xe giảm giá cước, mức giảm cao nhất khoảng 16%. Ngay sau ngày giảm giá xăng “sốc” (ngày 22/12), bến xe đã gửi đăng ký cam kết giảm giá tới các DN vận tải, hy vọng tới đây các DN sẽ giảm giá mạnh bởi nếu các DN không giảm giá cước vận tải sẽ khó cạnh tranh lẫn nhau.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, đến nay chỉ có một số ít DN vận tải và taxi rục rịch giảm giá với mức giảm khá "nhỏ giọt", còn phần lớn vẫn "án binh bất động" hoặc chỉ dừng ở cam kết sẽ tính toán để giảm giá cước.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho biết: Liên bộ Tài chính - GTVT đã có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra, giám sát việc kê khai giảm giá cước vận tải và sẽ thành lập đoàn thanh tra việc chấp hành của các DN; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng đối với các DN chây ì.


Tiến Hiếu - Anh Đức




Bộ Giao thông Vận tải giải đáp nhiều vấn đề “nóng”
Bộ Giao thông Vận tải giải đáp nhiều vấn đề “nóng”

Tại cuộc họp báo tổ chức chiều 2/4, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã giải đáp nhiều vấn đề nổi cộm trong ngành thời gian gần đây, trong đó có nghi án hối lộ ở ngành đường sắt, vụ tiếp viên Vietnam Airlines bị bắt tại Nhật, sai phạm dự án cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN