Giải quyết những vấn đề nổi cộm về quản lý chất lượng môi trường

Chiều 8/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thông tin những điểm mới trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) về quản lý chất lượng môi trường.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, Việt Nam đã tham gia nhiều cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường nên với những mục tiêu căn bản, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã thể chế hóa kịp thời nhiều chủ trương mới của Đảng, Nhà nước liên quan đến bảo vệ môi trường, tiếp cận hài hòa với luật quốc tế, đề xuất sửa đổi nhiều nội dung về quản lý chất lượng môi trường phù hợp với tình hình thực tiễn, hướng tới bảo vệ sức khỏe người dân.

Chú thích ảnh
Thời gian qua, Hà Nội liên tục chìm trong sương mù dày đặc với chỉ số ô nhiễm không khí ở mức có hại cho sức khỏe. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Phân định rõ trách nhiệm thực hiện các biện pháp khẩn cấp

Liên quan đến vấn đề đang được dư luận quan tâm nhiều hiện nay là chất lượng không khí, đặc biệt ở các đô thị, Vụ trưởng Vụ quản lý chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường Lê Hoài Nam nhấn mạnh đến những quy định mới để giải quyết những vấn đề bất cập, khó khăn trong lĩnh vực quản lý chất lượng môi trường không khí, các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã đưa vào các quy định mới để giải quyết các nguồn điểm, nguồn diện phát sinh khí thải cần được quản lý, xử lý thông qua việc quy định từng địa phương phải xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện; xem xét, đánh giá, phân tích chi phí lợi ích của các giải pháp quản lý chất lượng không khí, từ đó xác định giải pháp ưu tiên thực hiện.

Dự thảo Luật quy định, phân công rõ trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng không khí của Thủ tướng Chính phủ là ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện; chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí, ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải của phương tiện giao thông vận tải; chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải đối với của phương tiện giao thông vận tải lắp ráp, nhập khẩu, đang lưu hành; lộ trình loại bỏ các phương tiện giao thông vận tải gây ô nhiễm môi trường; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức hướng dẫn thực hiện các hoạt động phòng ngừa, kiểm tra, giám sát, xử lý các nguồn bụi, khí thải gây ô nhiễm không khí, quản lý chất lượng môi trường không khí trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí của địa phương và tổ chức triển khai thực hiện; chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn quản lý.

Việc quy định trách nhiệm thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp ô nhiễm không khí nghiêm trọng liên vùng, liên tỉnh phải có sự chỉ đạo đồng bộ từ Thủ tướng Chính phủ tới các Bộ, ngành, UBND các tỉnh chịu ảnh hưởng để huy động nguồn lực từ Trung ương, các địa phương ứng phó, xử lý; nội tỉnh là UBND cấp tỉnh.

Một số nội dung ảnh hưởng đến chất lượng không khí từ hoạt động đốt… Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để lựa chọn đưa vào Luật hay ở mức Nghị định, cập nhật các kinh nghiệm tiên tiến trên thế giới về quy chuẩn kỹ thuật…

Đề xuất giải pháp, Vụ trưởng Lê Hoài Nam cho rằng, trong thời điểm ô nhiễm rất nguy hại, cần thiết có thể yêu cầu ngừng các hoạt động xây dựng, đốt, rửa đường, điều chỉnh thời gian đi học của học sinh…

Theo Phó giáo sư Tiến sĩ Nghiêm Trung Dũng-Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng phải dựa vào các thông số quan trắc và thời gian kéo dài của vụ việc. Trong dự thảo Luật, đốt rơm rạ hay các hoạt động đốt khác đều được đối xử như nhau. Có 2 giải pháp, để bảo vệ người dân, khuyến cáo người dân không nên ra đường, cho học sinh nghỉ học…; tìm cách khoanh vùng nhận dạng các nguồn thải để khi cần thiết ngừng các hoạt động tạm thời.

Công cụ mới để quản lý nước thải

Hiện nay, việc quản lý các nguồn thải vào môi trường nước chủ yếu dựa trên kiểm soát chất lượng nước thải đầu ra mà không tính toán đến tổng thải lượng vào nguồn nước, dẫn đến nguy cơ nguồn nước bị ô nhiễm dù tất cả các nguồn thải đều xử lý đạt quy chuẩn, nhưng tổng thải lượng quá lớn, vượt quá sức chịu tải của nguồn tiếp nhận. Mặt khác, đối với những nguồn nước đã bị ô nhiễm, việc xử lý rất khó khăn do chi phí xử lý trực tiếp rất tốn kém, trong khi đó giải pháp giảm lượng nước thải  vào nguồn tiếp nhận lại chưa có cơ chế thực hiện do chưa quản lý nguồn thải theo lượng nước thải ra. Thực tế, nhiều nguồn nước đã bị ô nhiễm nhưng các dự án vẫn được cấp phép để xả thải.

Chú thích ảnh
Cống xả thải nước đen ngòm, hôi thối, váng bọt màu vàng đặc quánh chảy thẳng vào suối Cái. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi sẽ thay đổi cách tiếp cận từ quản lý theo quy chuẩn nước thải đầu ra sang quản lý dựa trên  lượng nước thải và sức chịu tải của môi trường. Để thực hiện theo cách tiếp cận này, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải nắm bắt được hiện trạng sức chịu tải của nguồn nước và các nguồn đang thải vào, cũng như có phương án phân bổ hạn ngạch xả thải phù hợp. Mặt khác, cơ quan quản lý cũng cần xây dựng mục tiêu, phương án giảm phát thải vào những nguồn nước đã bị ô nhiễm nhằm cải thiện chất lượng nước.

Để thực hiện nhất quán các hoạt động này, dự thảo Luật sửa đổi đưa ra một công cụ mới là Kế hoạch quản lý chất lượng nước, gồm những nội dung chính như các mục tiêu bảo vệ chất lượng nước; thực trạng phân bố nguồn ô nhiễm, loại và tổng lượng ô nhiễm; đánh giá khả năng chịu tải, phân vùng xả thải, phân bổ hạn ngạch xả thải; xác định mục tiêu và lộ trình giảm phát thải vào nguồn nước đối với nguồn nước đã không còn khả năng chịu tải; các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm nước, cải thiện chất lượng nước. Đây là công cụ cơ quan quản lý nhà nước có thể theo dõi, kiểm soát được các nguồn nước mặt trên địa bàn quản lý, từ đó có biện pháp phân bổ hạn ngạch xả thải, phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo không có nguồn nước nào bị tiếp nhận thêm nước thải khi đã không còn sức chịu tải.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đưa ra quy định về việc không cấp giấy phép môi trường để xả thải vào nguồn nước không còn khả năng chịu tải. Đây là quy định phù hợp với thực tiễn cũng như kinh nghiệm quốc tế từ các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Đưa nội dung quy hoạch quan trắc môi trường quốc gia vào Luật

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 không có nội dung về quy hoạch quan trắc môi trường quốc gia. Việc đưa quy định về quy hoạch quan trắc môi trường quốc gia vào Luật Bảo vệ môi trường sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động quan trắc môi trường, nâng cao hiệu quả việc đầu tư cho mạng lưới quan trắc môi trường, tránh chồng chéo, lãng phí trong việc đầu tư các trạm quan trắc môi trường giữa cơ quan Trung ương và các địa phương, góp phần nâng cao chất lượng số liệu quan trắc môi trường. Việc bổ sung này phù hợp với các quy định cũng diễn biến kế hoạch đang triển khai hiện nay.

Tổng cục Môi trường khẳng định việc xây dựng quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường sẽ đảm bảo tính khoa học, đồng bộ của mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia, góp phần cung cấp các thông tin, dữ liệu phản ánh chính xác hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ môi trường. Do đó, nội dung quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường nên được quy định tách riêng với các nội dung quy hoạch khác về bảo vệ môi trường.

Minh Nguyệt (TTXVN)
Ô nhiễm không khí làm giảm đáng kể tuổi thọ của con người
Ô nhiễm không khí làm giảm đáng kể tuổi thọ của con người

Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Cardiovascular Research ngày 3/3, các nhà khoa học cảnh báo "đại dịch" ô nhiễm không khí làm giảm gần 3 năm tuổi thọ trung bình của con người, đồng thời là nguyên nhân khiến 8,8 triệu người chết yểu mỗi năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN