Câu “cửa miệng” của người Việt thời gian gần đây là giờ ăn gì cũng chết, uống gì cũng chết và … khi nào chết hẵng hay. Cách suy nghĩ này khiến nhiều người thờ ơ với việc bảo vệ môi trường sống, cam chịu với thực phẩm bẩn, chấp nhận sống trong môi trường ô nhiễm một cách bất lực, đến đâu hay đến đó.
Cũng cách suy nghĩ này, cùng với việc chăm chăm vào lợi nhuận trước mắt, nhiều địa phương, bộ ngành chấp nhận những dự án gây nguy hại đến môi trường sống, dù không ít thì nhiều, những người có trách nhiệm phê duyệt các dự án đều hiểu rõ những tác hại của việc xả thải ra môi trường nước, không khí, chôn lấp rác thải nguy hại… từ các dự án này.
Cũng có thể vì lợi nhuận hoặc những khoản “lót tay đúng chỗ” khiến nhiều người có trách nhiệm vẫn ra sức bảo vệ cho những dự án nhiệt điện than đang quá tải chỗ chứa tro xỉ, những dự án luyện kim đang ngày đêm xả thải hủy diệt sự sống của các con sông, vùng biển và môi trường sống của con người…
Cái chết vì ô nhiễm là cái chết ai cũng biết, nhưng không “nhãn tiền” kiểu như tai nạn giao thông, nên nhiều người vẫn nhắm mắt, làm liều. Nhưng với con số hơn 71.365 người Việt chết do ô nhiễm, trong đó khoảng 50.000 người chết do ô nhiễm không khí trong năm 2017 do Liên minh toàn cầu về sức khỏe ô nhiễm (GAHP) công bố mới đây cho thấy đây là thực sự là thảm họa.
Lâu nay, cái chết đáng sợ nhất sau chiến tranh là chết vì tai nạn giao thông. Nhưng cũng trong năm 2017, số người chết vì tai nạn giao thông tại Việt Nam khoảng 10 - 15 nghìn người, nếu so sánh với con số người do ô nhiễm mà GAHP công bố thì tai nạn giao thông vẫn chưa phải là điều đáng lo ngại nhất.
Điều đáng lo ngại thực sự là mức độ ô nhiễm không khí tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng, thể hiện rõ trong việc TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã có lúc lọt vào top những thành phố có mức độ ô nhiễm cao nhất thế giới. Số liệu quan trắc có thể vẫn là những con số mang tính tương đối, nhưng người dân ở các thành phố này chắc hẳn cảm nhận rất rõ ràng sự ngột ngạt, khó ở vì mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, ô nhiễm không khí làm phá hỏng môi trường tự nhiên của nhiều loài sinh vật khác và là nguyên nhân gây nguy cơ đột quỵ, suy nhược thần kinh, bệnh tim mạch, ung thư, cùng hàng loạt các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, viêm phổi, ung thư phổi…
Ô nhiễm môi trường không khí thực sự đang là vấn đề có tính toàn cầu, trong đó nguyên nhân chính gây ô nhiễm là khí thải giao thông, chất thải, khí thải từ các nhà máy công nghiệp, từ quá trình sản xuất nông nghiệp và một số nguyên nhân tự nhiên như cháy rừng, bụi sa mạc, núi lửa và một số nguyên nhân khác như khói thuốc lá, khói than, củi, các hóa chất có trong sơn hoặc các sản phẩm làm sạch, khí máy lạnh, một số chất có trong vật liệu xây dựng...
Giảm thiểu ô nhiễm môi trường nói chung và giảm thiểu ô nhiễm không khí không thể là việc có thể giải quyết trong ngày một ngày hai và cũng không phải một quốc gia cụ thể nào có thể làm được, nhất là trong điều kiện chúng ta đã có một thời gian dài không thực sự nghiêm khắc trong việc xử các hành vi gây nguy hại đến môi trường. Tuy nhiên, khi thảm họa môi trường đã hiện diện một cách rõ nét như hiện nay thì không thể nói “chết thì thôi” được nữa.
Nhiều địa phương thẳng thừng từ chối nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường là điều đáng mừng, tuy có thể vì vậy mà ngành điện sẽ gặp khó khăn do đội giá. Không thể lấy lợi nhuận đổi lấy môi trường sống là nhận thức đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của nhân loại. Lẽ ra, ngành Công Thương phải thấy và có trách nhiệm để nhận thức đó trở thành phổ biến trong định hướng phát triển của ngành, chứ không phải xem đó là “khó khăn cần được tháo gỡ” để tác động thay đổi cơ chế.
Nhận thức về môi trường cần được thay đổi từ chính những người hoạch định chiến lược phát triển của quốc gia, điều đó mới có thể tạo ra những thay đổi mang tính căn bản. Để hạn chế tai nạn giao thông và tác hại của bia rượu, Chính phủ đã quyết liệt với mức xử phạt nghiêm khắc, chắc chắn việc hạn chế bia rượu và tai nạn giao thông sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Vậy thì, những tác hại đến từ việc ô nhiễm, vốn nguy hại hơn rất nhiều, hẳn nhiên cũng cần phải có những giải pháp quyết liệt tương ứng.