Dòng thông tin chủ lưu đồng hành cùng dân tộc

Năm 2020, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tròn 75 tuổi và cũng là dịp kỷ niệm tròn 60 năm thành lập Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP). Kể từ ngày 15/9/1945 đến nay, TTXVN luôn đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng của dân tộc và sự phát triển của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chính nhờ những nỗ lực hy sinh, tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm và lòng yêu nghề của các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, dòng thông tin chủ lưu của TTXVN trong suốt ba phần tư thế kỷ qua luôn thông suốt, không một phút ngưng nghỉ.

Góp sức trong những sự kiện trọng đại

Lịch sử hào hùng của TTXVN bắt đầu ngày 15/9/1945, khi bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng bản danh sách Chính phủ lâm thời được Việt Nam Thông tấn xã phát ra thế giới bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Đây là một sự kiện cực kỳ trọng đại không chỉ với TTXVN mà với cả sự nghiệp báo chí cách mạng của đất nước.

Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, đội ngũ những người làm báo của TTXVN thực sự là những nhà báo – chiến sĩ, cùng sống, cùng chiến đấu với bộ đội và đồng bào. Phóng viên TTXVN đã phản ánh các sự kiện, các nhân chứng lịch sử và chính những người cầm bút, cầm máy ảnh của TTXVN còn trực tiếp tham gia và góp phần làm nên những sự kiện lịch sử hào hùng đó. Phóng viên, kỹ thuật viên của TTXVN đã có mặt ở tất cả các vùng miền, các chiến trường ác liệt nhất.

Chú thích ảnh
Phóng viên TTXVN có mặt tại phố Khâm Thiên, ghi lại những hình ảnh trong 12 ngày đêm máy bay B52 của Mỹ ném bom rải thảm tàn phá Hà Nội (tháng 12/1972). Ảnh: TTXVN

Lịch sử TTXVN ghi rõ: Đúng 19 giờ ngày 12/10/1960, tại khu rừng Chàng Riệc (Tây Ninh), Thông tấn xã Giải phóng đã phát đi bản tin đầu tiên của mình, trịnh trọng thông báo cho quốc dân đồng bào và bè bạn trên thế giới: “Thông tấn xã Giải phóng- TTXGP -là cơ quan phát ngôn và thông tấn chính thức của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, có nhiệm vụ phổ biến tin tức và kinh nghiệm đấu tranh phong phú của đồng bào ở khắp nơi, phản ánh uy thế ngày càng lớn của phong trào cách mạng và sự suy sụp của tập đoàn thống trị miền Nam”.

Từ đó, bản tin của TTXGP phát ra Hà Nội đều đặn vào 18 giờ hàng ngày đã trở thành nguồn thông tin quan trọng về tình hình miền Nam Việt Nam trước ngày thống nhất đất nước.

Tin, ảnh của TTXGP từ Cà Mau đến Quảng Trị, từ vùng nông thôn U Minh Thượng đến đô thị Sài Gòn-Gia Định, Đà Nẵng, Huế … luôn nóng hổi tính thời sự, không chỉ cung cấp kịp thời cho các cơ quan thông tấn báo chí trong, ngoài nước, mà còn giúp Trung ương cục miền Nam phân tích, nhận định tình hình để đi đến những quyết định chiến lược, chỉ đạo kịp thời hoạt động trên chiến trường.

Suốt 15 năm hoạt động, trong các giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, không một chiến trường, không một hướng tiến quân, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt phóng viên TTXGP. Ở đâu có trận đánh là ở đó có mặt phóng viên TTXGP, thông tin kịp thời thành tích của quân dân ta từ chiến thắng tại Ấp Bắc (năm 1963), Bình Giã (năm 1964) đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (năm 1968), đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc.

Chiến đấu trên mặt trận thông tin, TTXGP thường xuyên phát đi những thông tin chính thức trong vai trò, tư cách là cơ quan phát ngôn của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và sau đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; đồng thời khẳng định vai trò cơ quan ngôn luận chính thức, chính thống có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, phổ biến tin tức và kinh nghiệm đấu tranh rất phong phú của đồng bào ở khắp nơi, phản ánh uy thế ngày càng lớn mạnh của phong trào cách mạng và sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn.

Chú thích ảnh
Bồi dưỡng nghiệp vụ ảnh báo chí tại căn cứ Thông tấn xã Giải phóng (người cầm máy là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng Lê Chí Hải). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Bên cạnh nhiệm vụ thông tin, các phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên của TTXGP còn trực tiếp cầm súng chiến đấu và trở thành những chiến sĩ thực thụ, xứng đáng với 16 chữ vàng mà Trung ương cục miền Nam khen tặng Thông tấn xã Giải phóng năm 1968: “Cần cù dũng cảm, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”.

Trong số các liệt sỹ của Thông tấn xã Giải phóng được vinh danh có nhà báo Đinh Thúy (bút danh của Phó Tổng giám đốc TTXGP Bùi Đình Túy ). Ông hy sinh tại Trảng Dầu (Bình Long) ngày 21/9/1967. Ông là nhà báo đầu tiên được lấy tên để đặt cho 2 đường phố ở quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh và quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Thông tấn xã Việt Nam nói chung và Thông tấn xã Giải phóng nói riêng là cơ quan báo chí có số nhà báo hy sinh trong chiến tranh lớn nhất trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (260 liệt sĩ).

Ngày 12/5/1976, Việt Nam Thông tấn xã cùng Thông tấn xã Giải phóng, hai người anh em ruột thịt, tuy hai mà một, đã chính thức hợp nhất với tên gọi là Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), hòa với khí thế cách mạng chung của toàn dân tộc, bước vào giai đoạn mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tiếp tục khẳng định vai trò xung kích

Chú thích ảnh
Phóng viên Đỗ Bá Thành (đi đầu), Trung tâm Truyền hình Thông tấn, và đồng nghiệp trên đường vào đưa tin bản Nậm Há 1 (xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) bị lũ quét, tháng 6/2018. Ảnh: TTXVN

Đất nước đổi mới, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, TTXVN cũng chuyển sang giai đoạn phát triển mới, phát triển vượt bậc cả về cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý và điều hành, trang thiết bị kỹ thuật, sản xuất thông tin đa phương tiện. Từ một bộ phận của Nha thông tin gồm VNTTX và Đài TNVN vào đầu tháng 9/1945, tới một cơ quan thông tấn với số lượng cán bộ ít ỏi thuở ban đầu ở ATK Tuyên Quang, ngày nay, TTXVN đã trở thành một tổ hợp truyền thông quốc gia hiện đại với trên 2.500 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, chuyên viên, kỹ thuật viên... với hơn 30 đơn vị cung cấp thông tin bằng tin, bằng ảnh, báo in, báo ảnh, báo điện tử, báo hình đa ngôn ngữ…

Đến nay, các phóng viên TTXVN tại 93 cơ quan thường trú ở khắp các tỉnh thành trong toàn quốc và 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế trên các châu lục đã khẳng định vai trò xung kích tại các điểm nóng thông tin ở trong nước cũng như trên thế giới. Các đơn vị thông tin của TTXVN luôn tìm tòi, học hỏi và mạnh dạn thử nghiệm, chủ động tìm hướng đi mới để có thể đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu thông tin của lãnh đạo, của các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế, cũng như trực tiếp cung cấp thông tin tới công chúng Việt Nam và thế giới. Có thể tự hào khẳng định, đội ngũ nhà báo hùng hậu của TTXVN hiện nay là những nhà báo vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị, làm chủ công nghệ, luôn nêu cao trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp, cung cấp cho xã hội những sản phẩm thông tin đạt tiêu chí Nhanh- Đúng- Trúng- Hay.

Chú thích ảnh
Phóng viên Nguyên Linh (Cơ quan thường trú TTXVN tại Bình Định) tại hiện trường vụ phá rừng ở An Lão, Bình Định (tháng 9/2017). Ảnh: TTXVN

Trong 75 năm qua, TTXVN luôn đảm bảo cung cấp những thông tin nhanh chóng, toàn diện và chính xác về tình hình trong nước và quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, là nguồn thông tin phong phú và tin cậy cho các cơ quan báo chí Việt Nam và quốc tế, cũng như trực tiếp tới độc giả trên khắp thế giới. TTXVN đã thực sự trở thành lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng-văn hoá, mặt trận thông tin, truyền thông. Trong công cuộc chiến đấu chống tham nhũng, tiêu cực từ thời kỳ đầu đổi mới đến nay, TTXVN với các ấn phẩm Tuần Tin tức, Tin tức buổi chiều, Tin tức được coi như những tờ báo hàng đầu về chống “giặc nội xâm”.

Trải qua 75 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, TTXVN đã trở thành đạo quân dũng cảm, tinh nhuệ của báo chí cách mạng Việt Nam, anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, cần cù và sáng tạo trong phát triển đất nước, năng động và hòa hiếu trong hội nhập quốc tế.

Danh xưng tự hào của mỗi cán bộ, phóng viên

Ngày 15/9/1945 – ngày truyền thống vẻ vang của TTXVN – còn là dấu mốc lịch sử của thông tin đối ngoại của ngành và của báo chí Viêt Nam. Thông tin đối ngoại không ngừng được cải tiến về hình thức và ngôn ngữ thể hiện, mang lại cho TTXVN thế mạnh là cơ quan báo chí có sản phẩm được thực hiện bằng nhiều ngôn ngữ nhất hiện nay, gồm tiếng mẹ đẻ và 9 tiếng nước ngoài: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Trung, Nhật Bản, Nga, Lào, Campuchia và Triều Tiên. Sản phẩm thông tin đối ngoại của TTXVN hiện đã đến được với công chúng tại 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

TTXVN xứng đáng với truyền thống của cơ quan báo chí đầu tiên được Đảng và Nhà nước trao tặng hai danh hiệu anh hùng cao quý: Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, cùng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều danh hiệu cao quý khác. Nhiều cá nhân và đơn vị của TTXVN được vinh danh tại các giải báo chí trong nước, giải Báo chí Quốc gia và Quốc tế. Các phóng viên ảnh Lâm Hồng Long, Hoàng Văn Sắc, Chu Chí Thành… đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật với những tác phẩm nhiếp ảnh thời sự-nghệ thuật để đời .

Những hy sinh, cống hiến của các thế hệ nhà báo Thông tấn đã giúp TTXVN luôn giữ vững vị thế là cơ quan thông tin chiến lược, tin cậy của Đảng và Nhà nước trong suốt bảy mươi nhăm năm qua.  Cùng với đà đổi mới, đi lên của đất nước, của báo chí nói chung, TTXVN đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức, phát huy truyền thống của đơn vị hai lần được phong tặng danh hiệu anh hùng: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền đối nội và đối ngoại, phục vụ hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước.

75 năm xây dựng và trưởng thành, dòng chữ TTXVN bằng tiếng Việt hay “VNA” bằng tiếng Anh xuất hiện trên mỗi sản phẩm thông tin đã trở thành danh xưng đầy tự hào của tất cả những ai đã bước vào “ngôi nhà Thông tấn. Danh xưng ấy cũng là sự nhắc nhớ đối với mỗi cán bộ, phóng viên TTXVN hôm nay phải nỗ lực hơn nữa để viết tiếp những trang sử vẻ vang của Ngành.

 

Trần Đình Thảo
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng đội ngũ những người làm báo nhân dịp 21/6
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng đội ngũ những người làm báo nhân dịp 21/6

Phát biểu tại giao ban báo chí sáng 16/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến đội ngũ những người làm báo trong cả nước nhân dịp 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam; gửi lời cảm ơn các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên đã có đóng góp quan trọng vào việc thông tin tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng và thông tin tuyên truyền nói chung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN