Thông tấn xã Việt Nam có nhiều kỷ niệm đáng tự hào liên quan tới vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam) chính là danh xưng do Bác Hồ chấp bút. Ngày 15/9/1945, Việt Nam Thông tấn xã phát đi toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập cùng với danh sách Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua những bản tin bằng 3 thứ tiếng - tiếng Việt mang ký hiệu VNTTX (Việt Nam Thông tấn xã), tiếng Anh mang ký hiệu VNA (Vietnam News Agency) và tiếng Pháp mang ký hiệu AVI (Agence Vietnammien D’Infomation). Sự kiện này có ý nghĩa trọng đại không chỉ với TTXVN mà với cả dân tộc.
Chưa đầy 1 năm sau ngày “khai sinh”, do nhu cầu cấp thiết của cách mạng lúc bấy giờ, Thông tấn xã Việt Nam mở cơ quan đại diện đầu tiên ở nước ngoài. Nhờ trí tuệ, nghệ thuật ngoại giao và ảnh hưởng quan hệ cá nhân đặc biệt của Bác Hồ với Thủ tướng Thái Lan lúc bấy giờ là ông Pridi Banomyong, đầu năm 1946 Thông tấn xã Việt Nam đã thiết lập Văn phòng tại số 543 phố Silom ở thủ đô Bangkok.
Cơ ngơi của Văn phòng của Thông tấn xã Việt Nam tại Bangkok nằm trong một ngôi nhà dáng dấp nhà sàn 2 tầng với tấm biển bằng tiếng Anh: “Vietnam News Services”. Cơ quan tại Thái Lan chính là Cơ quan Thường trú ngoài nước đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam. Do những đặc thù về quan hệ đối ngoại lúc bấy giờ, từng có thời gian địa chỉ nói trên đồng thời là trụ sở “Văn phòng Đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” tại Thái Lan.
Giai đoạn trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Bác chủ yếu hoạt động tại vùng Đông Bắc Thái Lan. Khi đó, Bác cùng các chiến sĩ cách mạng Việt Nam chủ trương tập hợp lực lượng cách mạng từ bên ngoài để tiến hành đấu tranh giành độc lập dân tộc. Thời gian hoạt động ở đây, Bác cũng để lại những ấn tượng sâu sắc với kiều bào ta và nhân dân Thái Lan. Sau tháng 9/1945, Bác Hồ lãnh đạo cách mạng Việt Nam từ trong nước, bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Việc thành lập văn phòng nói trên ở Bangkok chính là hành động đáp ứng yêu cầu cấp thiết, cũng như lâu dài, của Cách mạng Việt Nam.
Ở Đông Nam Á, Bangkok khi ấy là nơi đặt trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao của nhiều quốc gia. Đây là môi trường thuận lợi để đại diện Việt Nam tiếp cận và vận động sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Trên lĩnh vực báo chí, nhiều hãng thông tấn báo chí quốc tế đã chọn Bangkok làm nơi đặt văn phòng. Theo nhiều tài liệu, ngày 18/8/1946, đại diện của khoảng 20 tổ chức báo chí quốc tế và nước ngoài đã tham dự cuộc gặp mặt nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh Việt Nam.
Theo ký ức của một vài cựu nhân viên Văn phòng, lúc đông nhất có 15 người làm việc không kể ngày đêm để phục vụ cho 3 nhiệm vụ then chốt khi đó: Tuyên truyền và giới thiệu với cộng đồng thế giới về nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập non trẻ thông qua những ấn phẩm như bản tin ngày, tuần tin tức và phát hành những cuốn sách mỏng bằng cả ba ngôn ngữ Việt, Thái, Anh; Thu thập thông tin, tài liệu quốc tế phục vụ cho sự nghiệp Cách mạng Việt Nam; Cầu nối giúp các hãng tin phương Tây muốn tìm hiểu, liên hệ đưa tin về cuộc kháng chiến ở Việt Nam.
Năm 1951, do biến động của tình hình thế giới cũng như thay đổi chính trị ở Thái Lan, Văn phòng buộc phải tạm thời đóng cửa. Toàn bộ nhân viên chuyển hướng hoạt động, về nước tham gia kháng chiến, rút vào hoạt động bí mật hoặc tìm công việc khác, bám trụ trên đất Thái Lan để tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong đó, có người trở thành học giả uy tín về ngôn ngữ ở Thái Lan, có người giữ vị trí quan trọng thuộc tổ chức Liên hợp quốc…
Thời gian miệt mài chuyển tải các sự kiện lịch sử và chứng kiến những đổi thay trong quan hệ đối ngoại giữa các quốc gia. Năm 1992, Thông tấn xã Việt Nam thành lập Cơ quan thường trú tại Thái Lan và năm 1994 chính thức ra mắt với tên gọi thân quen là “Phân xã Bangkok”. Năm 2004, con trai cố Thủ tướng Pridi Banomyong là ông Sukprida kín đáo trao riêng cho người Việt Nam mà ông tin cậy một kỷ vật vô giá: Cuốn sách in tiếng Anh, 46 trang, khổ 12x17cm, bìa màu xanh lục với tiêu đề “President Ho Chi Minh” (tạm dịch: Chủ tịch Hồ Chí Minh). Trang cuối cuốn sách ghi rõ được in tại “Saha Thai Press, Jawarat Rd, See Yeak Wattuk-Bangkok, Thailand”.
Nội dung cuốn sách chuyển tải sinh động, văn phong dễ hiểu những tư tưởng bất diệt của Bác như: Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ; Mọi người đều phải có cơm ăn, áo mặc và được học hành. Phần cuối cuốn sách trích dẫn một tờ báo tiếng Pháp phát hành ở Sài Gòn trước năm 1950 khẳng định “Hồ Chí Minh là người đại diện cho toàn thể nhân dân Việt Nam, đồng thời là người tiên phong của nhân loại tiến bộ”.
Ông Sukprida kể thêm rằng cùng thời điểm Thái Lan cho mở Văn phòng của Thông tấn xã Việt Nam ở Bangkok, qua đó tạo thuận lợi cho nước Việt Nam độc lập trên mặt trận đối ngoại, cố Thủ tướng Pridi còn giúp đỡ Việt Nam trên cả mặt trận quân sự với quyết định chuyển giao cho Việt Nam một số vũ khí vốn là của Mỹ cung cấp cho lực lượng kháng chiến Thái Lan. Bác Hồ đã trực tiếp viết thư bằng tiếng Pháp cảm ơn ông Pridi, đánh giá cao việc làm đó. Được biết, số vũ khí tiếp nhận từ Thái Lan đủ trang bị cho gần 2.000 chiến sĩ Việt Nam và sau này có không ít người chuyển sang biên chế của các Sư đoàn 307-308 và góp sức trong Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Có nhiều bài viết về những sự kiện liên quan tới địa bàn Thái Lan phản ánh thiên tài lãnh đạo của Bác trong quá trình thành lập Đảng, yếu tố mang tính quyết định sự thành công của Cách mạng Việt Nam và sử dụng Bangkok làm một cửa ngõ tuyên truyền đối ngoại - phát huy thành quả đấu tranh giành độc lập dân tộc. Minh chứng thêm về tầm ảnh hưởng của Bác đối với cộng đồng quốc tế, xin ôn lại ký ức ít được nhắc tới- một ca khúc viết về Bác bằng tiếng Thái, sáng tác năm 1978, của ông Adison Piengkes-từng trúng cử nhiều khóa nghị sỹ và từng giữ các chức vụ Bộ, Thứ trưởng qua các chính phủ ở Thái Lan.
Tấm lòng yêu kính của ông Adison đối với Bác được thể hiện bằng ca từ hùng tráng “Hồ Chí Minh vĩ đại, đưa Việt Nam tới tự do. Hồ Chí Minh người là ngọn đuốc xua tan đau khổ cho nô lệ bần hàn; Hãy là vầng dương bất tận tỏa chiếu muôn nơi. Hãy là công lý cho muôn người. Ôi Việt Nam, ôi Việt Nam, ánh dương cho ngàn đời. Ôi Việt Nam hãy tiến lên”.
Tài liệu của Bộ Phương Đông - Quốc tế Cộng sản ghi lại rằng Bác Hồ từ Đức và Italia đến Thái Lan từ tháng 6/1928 cho tới tháng 11/1929. Tài liệu khác cũng xác định việc Bác vào vai một Hoa kiều, dưới cái tên Nguyễn Lai, đã nhập cảnh Bangkok (Thái Lan) bằng đường tàu biển vào tháng 6/1928. Khoảng thời gian Bác hoạt động ở vùng Đông Bắc Thái Lan còn chứa đựng nội dung vô cùng trọng đại: Trực tiếp thúc đẩy việc hợp nhất các tổ chức cộng sản, yêu nước để tiến tới Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930.