Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV:

Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Ngày 4/11, Quốc hội dành cả ngày thảo luận tại hội trường về Kết quả giám sát “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.

Đây là vấn đề quan trọng, có tác động trực tiếp đến sự phát triển chung của đất nước. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.

2.061 xã đạt tiêu chí nông thôn mới

Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt những kết quả quan trọng. Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội; mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình thành, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nhận thức của người dân được thay đổi, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Từ chỗ còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước, người dân đã chủ động tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới. Cơ chế trao quyền tự quyết cho cộng đồng thôn, xã đã phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương… xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sôi động rộng khắp cả nước.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Bạch Thị Hương Thủy phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Đến ngày 31/12/2015, cả nước có 1.526 xã (chiếm 17,1% tổng số xã) đạt tiêu chí nông thôn mới, bình quân tiêu chí/xã là 12,9 tiêu chí, tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010. Đến nay, 2.061 xã (chiếm 23%) đã đạt tiêu chí nông thôn mới, 27 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới. Sau 5 năm thực hiện, các tiêu chí Chương trình xây dựng nông thôn mới được cải thiện rõ rệt, có mức tăng tích cực so với năm 2011. Một số tiêu chí đạt cao như quy hoạch (98,74%), an ninh trật tự (93,7%), điện (82,38%), giáo dục (77,86%), thủy lợi (61,37%), thu nhập (56,48%)...

Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2011 xuống 8,2% năm 2015 (bình quân giảm 1,84%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,07% năm 2011 xuống còn dưới 28% năm 2015. Riêng những xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới, mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng năm 2011 lên đạt 28,4 triệu đồng năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,6% xuống còn 3,6%.

Trong 5 năm, cả nước đã huy động khoảng 851.380 tỷ đồng. Quốc hội đã phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ cho Chương trình giai đoạn 2014-2016 là 15.000 tỷ đồng .

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được ban hành khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang triển khai thực hiện. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới bền vững. Qua khảo sát cho thấy, những xã đạt chuẩn nông thôn mới là những xã biết phát huy thế mạnh, có những bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong xây dựng nông thôn mới đã gắn kết với việc tái cơ cấu nông nghiệp tại địa bàn.

Sau hơn 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá; năng suất, chất lượng và giá cả nhiều loại sản phẩm đã được nâng cao. Chăn nuôi đã từng bước chuyển dần từ hình thức nhỏ lẻ, phân tán sang hình thức gia trại, trang trại. Ngành thủy sản đã chuyển dịch cơ cấu giữa khai thác với nuôi trồng, tăng tỷ trọng nuôi trồng những sản phẩm chủ lực; tổ chức lại dịch vụ hậu cần nghề cá, nâng cao hiệu quả khai thác và giảm tổn thất sau thu hoạch. Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng trưởng mạnh.

Chưa có chính sách mang tính đột phá

Đoàn giám sát đã chỉ ra những tồn tại hạn chế trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới được ban hành từ tháng 4/2009 và Quyết định về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Thủ tướng Chính phủ được ban hành từ tháng 6/2010 nhưng các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành để triển khai thực hiện còn chậm, thiếu đồng bộ, một số văn bản hướng dẫn đến nay vẫn chưa được ban hành. Việc chậm trễ, thiếu đồng bộ trong ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện đã ảnh hưởng tới hiệu lực, hiệu quả thực hiện Chương trình. Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung, tuy nhiên, qua giám sát cho thấy vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế, điều kiện của các vùng, miền, địa phương .

Một số xã mặc dù đã được công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình nhưng vẫn còn một số tiêu chí chưa hoàn thành hoặc không đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí nông thôn mới đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ xác định mục tiêu đến năm 2015 có 20% số xã đạt nông thôn mới. Tuy nhiên, việc thực hiện không đạt mục tiêu đề ra. Một số địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn chưa có hoặc chỉ có 1 đến 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả thực hiện tại các vùng, miền cũng có sự chênh lệch rõ rệt: số xã đạt tiêu chí nông thôn mới ở Đông Nam Bộ là 46,4%, Đồng bằng sông Hồng là 42,8%, miền núi phía Bắc chỉ đạt 8,2%, Tây Nguyên đạt 13,2%, Đồng bằng sông Cửu Long đạt 16,7%.

Để tăng cường quản lý vốn đầu tư, khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tuy nhiên, các địa phương vẫn nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, có 53/63 tỉnh/thành phố có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng , cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân. Đáng lưu ý số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn tập trung chủ yếu ở khu vực phía bắc (Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ) là khu vực có phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu cả nước, hai khu vực này có số nợ đọng lớn nhất, chiếm tới 75,3% số nợ đọng của cả nước. Tổng số nợ đọng tại các xã đã được công nhận nông thôn mới chiếm đến 46,9% số nợ đọng của cả nước. Số nợ đọng này chiếm 1,8% tổng nguồn lực huy động cho Chương trình và chiếm 5,7% tổng nguồn ngân sách hỗ trợ thực hiện.

Qua giám sát cũng cho thấy, việc triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn nhiều bất cập, hạn chế. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp mới ban hành được hơn 2 năm, nội dung liên quan đến xây dựng nông thôn mới chủ yếu mang tính định hướng, do vậy, việc triển khai có hiệu quả hay không phụ thuộc vào từng địa phương. Trong khi đó, nhiều địa phương còn chậm trễ trong xây dựng Đề án và kế hoạch triển khai thực hiện , việc triển khai Chương trình Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới dường như độc lập với Đề án; khi xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất chưa gắn kết chặt chẽ với tái cơ cấu nông nghiệp; công tác quy hoạch sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa gắn với việc ứng phó tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán, khan hiếm nước; chưa tận dụng hết hiệu quả từ việc phát triển hạ tầng gắn với vùng liên kết sản xuất. 

Một số địa phương mới chủ yếu tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng mà chưa coi trọng phát triển sản xuất, chưa coi tái cơ cấu sản xuất là yếu tố then chốt để chuyển dịch kinh tế nông thôn, tạo ra đột phá về năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, qua đó, nâng cao đời sống, thu nhập người dân và phát triển bền vững; việc phát triển các thương hiệu hàng hóa nông sản triển khai còn chậm và nhiều hạn chế; việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp mặc dù đã được nâng lên nhưng chưa được áp dụng rộng rãi, chủ yếu tập trung vào cây lúa. Môi trường nông thôn đang là vấn đề bức xúc tại nhiều địa phương. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chưa đạt hiệu quả cao và chủ yếu mới chỉ ứng dụng trong ngành lúa gạo.

Hợp tác xã đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên, việc chuyển đổi và đăng ký lại hợp tác xã theo quy định của Luật hợp tác xã diễn ra khá chậm. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp còn lúng túng trong định hướng hoạt động và đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chưa có sản phẩm dịch vụ tốt để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa; thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã với thành viên. Công tác quản lý nhà nước đối với hợp tác xã thiếu sự thống nhất; cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, thiếu hấp dẫn. Việc tiếp cận với tín dụng, đất đai của hợp tác xã còn hạn chế, nguồn lực còn thiếu so với nhu cầu.

Nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc nêu trên do điều kiện tự nhiên, do sự phát triển không đồng đều tại các vùng, miền; không thể có một khuôn mẫu về mô hình nông thôn mới áp dụng chung cho cả nước; quá trình xây dựng nông thôn mới vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên cơ chế, chính sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Trung ương khi mới ban hành có nhiều điểm không phù hợp. Chưa có chính sách mang tính đột phá, nhất là trong khâu tổ chức lại sản xuất, tích tụ ruộng đất, bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp, khắc phục rủi ro thị trường… Nguồn vốn ngân sách nhà nước cho Chương trình còn chưa đảm bảo. Công tác phối hợp giữa các ngành liên quan trong việc ban hành các chính sách thiếu đồng bộ, còn mang tính biệt lập theo quản lý ngành...

Thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển khu vực nông thôn

Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ cần tiếp tục theo dõi việc áp dụng Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, để kịp thời sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới; Xây dựng bộ tiêu chí nâng cao làm cơ sở để các địa phương áp dụng cho các xã đã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới. Các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình cần được ban hành kịp thời, đồng bộ; hướng dẫn cụ thể, đầy đủ các biểu mẫu báo cáo, chỉ tiêu thống kê để có sự thống nhất trong số liệu báo cáo từ Trung ương đến địa phương. Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến nông nghiệp, nông thôn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương rà soát, xác định chính xác số nợ đọng xây dựng cơ bản; ưu tiên bố trí vốn thanh toán nợ đọng trước khi bố trí vốn cho các dự án khởi công mới; xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý dứt điểm trước năm 2019, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới. Các địa phương tự cân đối ngân sách (trừ tỉnh Quảng Ngãi) phải chủ động sử dụng ngân sách địa phương để cơ bản xử lý dứt điểm số nợ đọng trước tháng 6 năm 2018. Không cho phép doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư, thi công dự án nông thôn mới khi chưa được bố trí vốn. Bổ sung tiêu chí về nợ đọng xây dựng cơ bản trong việc thẩm định và xét công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới.

Đối với nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh sau khi có Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, cần làm rõ để xác định trách nhiệm người đứng đầu địa phương đã để xảy ra nợ đọng. Kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản sai qui định trong thực hiện Chương trình. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào dịch vụ và hạ tầng nông nghiệp nông thôn. Ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển khu vực nông thôn, chính sách khuyến khích đặc biệt cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; gắn kết 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học). Phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong việc thực hiện một số dịch vụ công. Đổi mới chính sách về đất đai để vừa tích tụ ruộng đất cho sản xuất tập trung qui mô lớn vừa bảo đảm quyền sử dụng đất của người dân. Có chính sách thực hiện hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

PV
Việt Nam hoan nghênh Philippines giải quyết vấn đề ngư dân nhân đạo
Việt Nam hoan nghênh Philippines giải quyết vấn đề ngư dân nhân đạo

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 3/11, tại Hà Nội, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã trả lời câu hỏi của phóng viên về các vấn đề báo chí quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN