Bên lề Quốc hội, các đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) đã nêu lên quan điểm của mình vấn đề này.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết nhìn nhận việc nợ công tăng nhanh là vấn đề không chỉ riêng Việt Nam mà của nhiều nước trên thế giới. Theo đại biểu, để đầu tư phát triển đất nước, hầu hết các nước đều có mức nợ công rất lớn, điển hình như Singapore, nợ công rất cao. Đánh giá nợ công không phải là “cái xấu” mà cần phải nhìn nhận nợ công đang được đầu tư vào đâu để phát huy hiệu quả và mang lại giá trị tăng thêm từ nợ và từ đầu tư đó, đại biểu Ánh Tuyết quan tâm tới đầu tư trung hạn và đầu tư theo lộ trình hằng năm.
Đại biểu nêu cần đi vào các mục tiêu mang tính chiến lược để đáp ứng
vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với tốc độ tăng trưởng phù hợp trong
thời gian tới. Trong đầu tư lần này, Quốc hội rất cân nhắc, xem xét mục
tiêu nào cần tập trung đầu tư để phát huy hiệu quả. Với cách nhìn và
cách làm đó, theo đại biểu Ánh Tuyết, vấn đề nợ công hay bội chi ngân
sách sẽ đi đúng hướng hơn, sẽ phát huy được đồng vốn, tạo ra giá trị trị
tăng thêm cho nền kinh tế.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Bùi Sỹ Lợi phát biểu ý kiến tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV (Chiều 1/11). Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Cũng cùng quan điểm này, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng một đất nước đang phát triển, đang cơ cấu lại nền kinh tế, đang tái cơ cấu lại các ngành, đặc biệt là nông nghiệp, nông thôn, nông dân, cơ sở hạ tầng của còn yếu kém thì việc vay, bội chi ngân sách để đầu tư tập trung cho các công trình trọng điểm và cơ sở hạ tầng là rất cần thiết. Đại biểu nêu vấn đề đặt ra ở đây là phải tính toán hiệu quả của nguồn vốn đầu tư.
“Nếu chỉ số ICOR (Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) vẫn là 6,91 là điều đáng lo ngại nhưng nếu chúng ta tăng mức vay hoặc bội chi ngân sách thêm 73 nghìn tỷ như Chính phủ trình, sử dụng thật hiệu quả, đúng mục tiêu, đúng mục đích, chắc người dân sẽ ủng hộ”- đại biểu nói. Cho rằng không cân đối nhất định sẽ vượt, đại biểu thấy rằng cần tập trung nguồn lực đúng mục tiêu, đúng đối tượng, đúng nút thắt của nền kinh tế, cố gắng giảm hệ số ICOR xuống để đảm bảo hiệu quả của nguồn vốn đầu tư - đó chính là mục tiêu mà cử tri và đại biểu Quốc hội mong muốn ở sự điều hành linh hoạt của Chính phủ.
Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, năm 2017 với khả năng ngân sách có sự thu hẹp hơn so với các năm trước, việc chi tiêu sẽ khó khăn. Vì thế cần “liệu cơn gắp mắm”, phải tập trung vào đúng các điểm, các nút thắt, những lĩnh vực khó khăn nhất. Đại biểu nêu hiện nay đất nước chỉ còn hai chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững. Bản chất của hai chương trình này có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau.
Với quan điểm phải tập trung để giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất, đại biểu đề nghị cần tập trung giải quyết cơ sở hạ tầng cho đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa, vì phát triển kinh tế phải gắn với tiến bộ và công bằng xã hội. Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững, hiện đã mở rộng đối tượng cho vay giảm nghèo (tăng đối tượng người nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng vừa thoát nghèo, nâng mức tối đa lên 50 triệu và tăng thời hạn cho vay để phù hợp với chu trình sản xuất), đại biểu kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp linh hoạt trong lãi suất cho vay, đối với đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa phải tính tới việc giảm lãi suất so với các vùng khác để thúc đẩy, kích thích cho quá trình sản xuất phát triển…