Xác định rõ nguyên nhân của chậm giải ngân vốn đầu tư
Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày cho thấy, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn thách thức, song các kết quả đạt được năm 2019 khá tích cực trên nhiều khía cạnh. Các mục tiêu tổng quát được Quốc hội đề ra được thực hiện tương đối đồng bộ, là năm thứ hai liên tiếp ước đạt 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, tốc độ tăng GDP ở mức đạt 6,8%.
Trình bày báo cáo thẩm tra về báo cáo kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá, những kết quả đã đạt được là thành quả nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, sự quyết liệt chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Để tiếp tục duy trì những thành tựu nói trên và đảm bảo tính bền vững của phát triển kinh tế, Ủy ban Kinh tế đề nghị phân tích rõ động lực, chất lượng của tăng trưởng để phát huy cho những năm sau; đánh giá thực trạng, tác động của khoa học công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế; phân tích tổng thu nhập quốc gia để có đánh giá đầy đủ về nền kinh tế. Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cho rằng cần đánh giá kỹ hơn các yếu tố tác động tới tốc độ tăng xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ và nhập siêu từ Trung Quốc tăng; có nhận định cụ thể về yếu tố mặt hàng đóng góp tích cực vào xuất khẩu…
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã được thực hiện quyết liệt trên tất cả các mặt, tuy nhiên việc tổ chức thực hiện pháp luật trên một số khâu còn yếu, quá trình triển khai chậm; công tác thanh kiểm tra thực hiện một số quy định, một số luật ít đạt hiệu quả chưa cao.
Nêu vấn đề về việc thời gian gần đây dư luận một số nơi dấy lên câu chuyện cho rằng do hệ thống pháp luật còn chồng chéo nên tiến độ giải ngân chậm, bà Lê Thị Nga cho rằng, phải xác định rõ nguyên nhân của việc giải ngân vốn đầu tư chậm là do những quy định nào, "ở luật, nghị định hay dưới nghị định, nguyên nhân của giải ngân chậm hay đầu tư chậm có phải thực sự do luật không hay do khâu tổ chức thực hiện?", bà Nga đặt câu hỏi.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị tiến hành rà soát các luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng, nhà ở... để xác định nhóm pháp luật nào còn vướng mắc: "Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, địa phương, Bộ Tư pháp xác định do luật hay do tổ chức thực hiện, tránh tình trạng đổ cho luật là chưa đúng... Xác định đúng mâu thuẫn thuộc thẩm quyền của ai, người đó sẽ sửa", bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.
Về công tác phòng chống tham nhũng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, tình trạng tham nhũng vặt đến nay đã có chuyển biến nhưng vẫn chưa triệt để; đồng thời, những vụ việc tham nhũng lớn và các nhóm lợi ích vẫn gây bức xúc cho nhân dân. Sau những vụ án tham nhũng lớn được phanh phui, nhất là ở các tập đoàn kinh tế, bà Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ cần thành lập một cơ quan nghiên cứu lộ trình của sai phạm, tham nhũng, "tránh tình trạng mải mê đi chống nhưng phòng chưa đến nơi đến chốn". Cơ quan nghiên cứu chuyên trách này sẽ thực hiện nghiên cứu ở tầm vĩ mô để chỉ ra con đường đi của những vụ án tham nhũng lớn.
Để phòng chống tham nhũng hiệu quả, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, một giải pháp khác cần thực hiện là kiểm soát tài sản thu nhập của người dân và cán bộ, quan chức. Bởi theo bà Nga, "nếu không quản được con đường đi của tiền, khó chống tham nhũng triệt để được".
Đối với tình trạng tham nhũng vặt, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, nếu chỉ nói chung chung sẽ rất khó giải quyết. Thông qua phản ánh của người dân, cần xác định tham nhũng vặt chủ yếu đang tồn tại ở những ngành nào, "giáo dục, y tế, cảnh sát giao thông, hải quan, thuế có không, cấp giấy tờ vấn đề liên quan đến đất có không? Chúng tôi đề nghị phải xác định, tránh tình trạng dân bảo có nhưng đồng chí đứng đầu ngành bảo không có", từ đó chỉ ra trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành và quy định trong một khoảng thời gian phải xử lý giảm thiểu được tình trạng tham nhũng vặt, tránh gây bức xúc cho người dân.
Thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm nhanh tác động tiêu cực
Bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan chức năng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã đạt những kết quả tích cực, đưa Việt Nam vào nhóm các nước tăng trưởng cao của khu vực và quốc tế. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị rà soát, làm rõ nguyên nhân của các vấn đề còn tồn tại để trên cơ sở đó phấn đấu đạt kết quả cao hơn trong năm sau. Năm 2020 là năm tiến hành đại hội Đảng các cấp và tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đây là thời khắc mà các thế lực thù địch tập trung chống phá ta trên tất cả các mặt, cả về kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao... Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, cần nghiên cứu, đánh giá khách quan, kỹ càng các mặt về tình hình thế giới, khu vực và trong nước có tác động đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Tình hình chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là một trong số những tác động cơ bản được Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cân nhắc, đánh giá cơ hội, thuận lợi và khó khăn ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam, "bởi cho đến thời điểm này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, và cuộc chiến đó không những ảnh hưởng đến Việt Nam mà còn ảnh hưởng tới cả quốc tế". Bên cạnh đó, cần đánh giá thêm về tình hình an ninh quốc phòng trên cả phạm vi quốc tế và khu vực, đặc biệt là tình hình Biển Đông để không làm ảnh hưởng tới an ninh trật tự và tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở trong nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề cập tới những vấn đề nhức nhối về an ninh trật tự như buôn bán ma túy, buôn người, tai nạn giao thông, phạm pháp và các tệ nạn khác.... và đề nghị cần nghiên cứu kỹ thêm để có giải pháp quyết liệt nhằm giảm nhanh những tác động tiêu cực này. Bên cạnh đó, cần quan tâm tới vấn đề biến đổi khí hậu, khí tượng thủy văn, bão lụt, thiên tai... tác động đến sản xuất và đời sống của người dân; giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường, cháy rừng...; rà soát, đánh giá về vấn đề nợ công, bội chi... "Đánh giá kỹ, đánh giá chính xác bao nhiêu thì chúng ta sẽ chủ động ứng phó bấy nhiêu và có nhiều biện pháp. Nếu chúng ta đánh giá không kỹ và cứ đánh giá toàn màu hồng sẽ dẫn đến say sưa tới thắng lợi, chủ quan, dẫn đến những tổn thất phải gánh chịu", Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nhấn mạnh, sự cạnh tranh của các nền kinh tế, các cường quốc kinh tế lớn, tình hình khu vực ASEAN, trong đó có tình hình Biển Đông sẽ tác động rất mạnh tới kinh tế Việt Nam. Những vấn đề này đã và đang đặt ra nhiều thuận lợi, thách thức đan xen. Ngoài ra, xu thế toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tác động tới tất cả các lĩnh vực trên toàn xã hội, trong đó có vấn đề bùng nổ thông tin...
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng nêu một thực tế: Tất cả những tác động đó đang khiến xã hội hiện nay hình thành một tầng lớp trung lưu ngày càng rõ hơn. Theo ông Phan Thanh Bình, đời sống của tầng lớp này đòi hỏi những yếu tố văn hóa, sinh hoạt khác, đặt ra rất nhiều vấn đề "không đơn giản": "Hình như có một số tập đoàn đang muốn xây dựng luôn cả một cuộc sống trung lưu, học ở trường đó, lên đại học trường đó, ở nhà đó, đi ô tô đó, xài điện thoại đó, đi siêu thị cũng đó luôn..., tạo ra một tầng lớp trung lưu và bao bọc cho tầng lớp trung lưu này".