“Chặn” cúm A/H7N9 tràn vào nội địa - Tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh

Trước một loạt các thông tin về các trường hợp nhiễm và tử vong do virút cúm A/H7N9 tại Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế nước ta đã có một loạt động thái để chủ động đối phó với dịch bệnh mới nổi này.


Tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh


Trung Quốc đã phát hiện 14 người nhiễm virút cúm A/H7N9 - loại virút vốn gây bệnh trên gia cầm, nay lại gây bệnh trên người - trong đó có 6 người đã tử vong. Trong khi đó, tình trạng nhập lậu gia cầm từ bên kia biên giới vào nội địa vẫn diễn biến phức tạp; tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cả người và gia cầm trong nước.

 

Nguy cơ nhập lậu còn cao

 

Theo Bộ Công Thương, các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lai Châu, Lào Cai... vẫn là địa bàn “nóng” về nhập lậu gia cầm. Trong tháng 1, 2/2013, các lực lượng tại 12 tỉnh, thành phố phía Bắc đã thu giữ trên 70.000 kg gà thịt, 250.000 con gà giống, 460.000 trứng gia cầm... nhập lậu vào nội địa. Còn ngay trong những ngày vừa qua, các cơ quan chức năng ở Lạng Sơn, Quảng Ninh cũng đã bắt giữ, tiêu hủy hàng chục nghìn con gà giống và hàng tấn gà thải nhập lậu. Điều này chứng tỏ việc nhập lậu gia súc, gia cầm tại các tỉnh vùng biên còn diễn biến phức tạp khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao.

Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tạm giữ phương tiện vận chuyển gà nhập lậu từ Trung Quốc về Hà Nội tiêu thụ. Ảnh: Quang Quyết – TTXVN


Đại diện Ban chỉ đạo 127 Lạng Sơn cho biết, việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng đối với tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm còn gặp nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, đường biên giới dài, hiểm trở, nhiều đường mòn, lối tắt có thể qua lại biên giới dễ dàng...


Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh, trong những năm gần đây, Trung Quốc có chủ trương thải loại đàn gà đẻ với giá rất rẻ, ở khu vực biên giới, giá gà chỉ từ 15.000 - 25.000 đồng/kg; giá trứng gà cũng chỉ bằng 1/3 trong nước. Đây chính là một trong những lý do khiến cho tình trạng nhập lậu diễn biến ngày càng phức tạp, khó kiểm soát. Có ngày, các lực lượng chức năng của tỉnh thu giữ đến trên 20 tấn gà thải loại.


PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ Trưởng Bộ Y tế: “Người dân không nên hoang mang” Việt Nam đã trải qua nhiều đại dịch, điển hình nhất là đại dịch SARS năm 2003. Khi đó, Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới phòng chống SARS thành công. Sau đó, chúng ta cũng đã khống chế thành công các dịch cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1... Đó là những kinh nghiệm quý báu để chúng ta triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm A/H7N9 trong trường hợp virút cúm này xâm nhập vào Việt Nam. Do đó, người dân không nên hoang mang trước những thông tin liên tiếp về dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc. Để phòng bệnh, người dân cần áp dụng biện pháp đơn giản: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thức ăn hoặc sau khi tiếp xúc với gia cầm. Đặc biệt, người dân không vận chuyển, buôn bán, sử dụng động vật (lợn, gia cầm) ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc. Khi bị cúm, nên đeo khẩu trang nhằm hạn chế lây truyền ra những người chung quanh. Khi có biểu hiện sốt cao, ho, đau ngực, khó thở..., cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ: Virút cúm A/H7N9 có độc lực như cúm A/H5N1 Sau khi Trung Quốc ghi nhận ca nhiễm cúm A/H7N9 đầu tiên, chúng tôi liên hệ ngay với ngành y tế Trung Quốc để tìm hiểu về bệnh cảnh của bệnh nhân. Nhìn chung, diễn biến của các ca nhiễm cúm A/H7N9 tại Trung Quốc tương tự như cúm A/H5N1, bệnh nhân thường bị tổn thương phổi nặng và diễn biến rất nhanh trong vòng 24 giờ, kèm theo khó thở, có thể bị tiêu cơ, men gan tăng... Các bác sĩ Trung Quốc cho biết, chưa có bằng chứng lây nhiễm virút cúm A/H7N9 từ người sang người; tuy nhiên đường lây truyền loại virút này sang người bệnh vẫn chưa rõ ràng. Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TƯ đã xây dựng và trình Bộ Y tế phê duyệt phác đồ hướng dẫn điều trị cúm A/H7N9, với nguyên tắc điều trị gần giống cúm A/H5N1, thuốc điều trị vẫn là Tamiflu và Zanamivir. Do đó, các bệnh viện cần chủ động rà soát lại thuốc men, trang thiết bị để sớm đề nghị bổ sung. Đơn cử, các bệnh viện cần trang bị đầy đủ số lượng khẩu trang, tránh trường hợp “cháy” khẩu trang như đã từng xảy ra trước đây.

Nếu việc ngăn nhập lậu gia súc, gia cầm vào nội địa đã khó, thì việc xác định gia cầm nhập lậu bán tại các chợ lẻ trong nội địa cũng chẳng phải dễ. Bà Nguyễn Thị Như Mai - Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Lực lượng quản lý thị trường không biết dựa vào cơ sở nào để phân biệt đâu là gà trong nước, đâu là gà nhập lậu khi chúng được bày bán tại các chợ. Hiện việc xác định “nguồn gốc” gà chỉ dựa trên cảm quan của cán bộ kiểm tra và lời khai của chủ hàng. Do vậy, để xử lý được các đối tượng buôn bán gà lậu rất khó.

 

Khó ngăn, vẫn phải làm triệt để

 

Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, ngoài tên virút cúm A/H7N9 thì cho đến nay, những thông tin khoa học khác liên quan đến cơ chế lây truyền và trình tự gen... của loại virút này vẫn còn là một ẩn số. Chúng ta vẫn phải chờ các thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới, đặc biệt là từ Trung Quốc vì chỉ có nước này mới có mẫu để nghiên cứu.

 

Ông Thành cũng cho biết thêm, trước tình hình này, ngành thú y trong nước đang tăng cường công tác chuẩn bị để có thể ứng phó nếu virút này xuất hiện tại Việt Nam. Giải pháp chính và quan trọng nhất từ phía cơ quan quản lý vẫn là kiểm soát, ngăn chặn triệt để việc nhập lậu gia cầm vào nội địa. Từ trước đến nay, lực lượng biên phòng hoặc quản lý thị trường thu giữ gia cầm nhập lậu, chúng ta chỉ mới kiểm tra xem gia cầm đó có virút H5N1 hay không, còn bây giờ phải xét nghiệm thêm cả virút H7N9.

 

Để chủ động ngăn chặn sự xâm nhiễm của chủng virút cúm A/H7N9 từ nước ngoài vào Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã có công điện đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Bắc và các bộ nghiêm cấm tất cả các hình thức vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới các tỉnh phía Bắc, bao gồm cả hình thức cho, tặng gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.


Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - cho biết, việc kiểm soát gà thải loại, nội tạng nhập lậu gặp rất nhiều khó khăn, song Cục sẽ phối hợp với lực lượng chức năng tiếp tục triển khai đề án kiểm soát ngăn chặn gia súc, gia cầm nhập lậu tại các cửa khẩu biên giới. Các trường hợp vi phạm, tái phạm sẽ bị xử lý nghiêm; đồng thời được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

KT - CT


Hà Nội triển khai phòng, chống cúm A/H7N9

Sáng 5/4, Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Sở Y tế Hà Nội đã họp khẩn cấp để bàn các giải pháp triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cúm A/H7N9 trên địa bàn Thủ đô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN