Chính phủ sẽ họp hằng tuần để chỉ đạo, tổ chức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp

Chiều 28/7, kết luận hội nghị đánh giá kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các bộ, ngành và sơ kết 1 tháng vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp bước đầu vận hành ổn định, thông suốt, nền hành chính được chuyển từ quản lý sang phục vụ và kiến tạo phát triển.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp đánh giá sơ kết 1 tháng vận hành chính quyền địa phương hai cấp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Hiện thực hóa tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân

Hội nghị đánh giá, sau 1 tháng vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, các địa phương đã hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp xã và cơ bản hoàn thành việc thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp xã.

Cả nước thành lập 465 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh ở 34 tỉnh, thành phố; 9.916 phòng chuyên môn cấp xã đã được thành lập tại 3.321 xã, phường, đặc khu. Hầu hết các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được bố trí đầy đủ cán bộ, công chức điều hành hoạt động, vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. Ngay sau khi kiện toàn tổ chức bộ máy, các cơ quan, đơn vị đều khẩn trương đi vào hoạt động, không có độ trễ, không làm gián đoạn công việc.

Các Trung tâm Phục vụ hành chính công hoạt động thông suốt, thực hiện các thủ tục tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Hầu hết các địa phương đều đã vận hành hệ thống phần mềm giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện thành công việc kết nối, liên thông Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính...

Việc giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp đơn vị hành chính được các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương quan tâm. Đến ngày 25/7, tổng số người đã có quyết định nghỉ việc là hơn 85.000 người; số người đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí là hơn 54.000 người, trong đó số người đã được nhận tiền là gần 42.000 người. Các địa phương đã tích cực triển khai việc sắp xếp, bố trí, xử lý trụ sở, tài sản công khi sắp xếp đơn vị hành chính. Đến ngày 24/7, tổng số lượng cơ sở nhà, đất dôi dư cần tiếp tục xử lý của các địa phương là hơn 9.000 cơ sở.

Mặc dù đạt được kết quả quan trọng, cơ bản, song việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: tại một số địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức bộ máy, triển khai chức năng, nhiệm cụ của chính quyền địa phương cấp xã; sắp xếp cán bộ một số chưa hợp lý, thiếu cán bộ chuyên môn; việc bố trí trụ sở, trang thiết bị và điều kiện làm việc chưa hợp lý và còn thiếu; phương án xử lý trụ sở dôi dư tại một số địa phương thiếu khả thi; khó khăn trong việc bố trí nhà ở công vụ, phương tiện đưa đón cho cán bộ, công chức; các phần mềm quản lý và dịch vụ công khó kết nối, liên thông; nhiều người dân chưa quen sử dụng các ứng dụng trong dịch vụ công trực tuyến; việc số hóa các dữ liệu còn hạn chế…

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các bộ, ngành đã nỗ lực đóng góp cho việc tổ chức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Thủ tướng Chính phủ cho biết, hằng tuần, Bộ Chính trị, Ban Bí thư họp về vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. Do đó, tới đây, hằng tuần, Chính phủ cũng sẽ họp để đánh giá tình hình, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương để chỉ đạo, tổ chức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp cho tới khi đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Đánh giá kết quả sau 1 tháng vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp bước đầu vận hành ổn định, thông suốt; các dịch vụ hành chính công được duy trì liên tục, không gián đoạn, được người dân, doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; sự chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương có sự thống nhất, chặt chẽ, hiệu quả; thủ tục hành chính tiếp tục được cắt giảm; phân cấp, phân quyền được đẩy mạnh.

“Ý Đảng, lòng dân gặp nhau, vì nền hành chính được chuyển từ quản lý, thụ động tiếp nhận xử lý yêu cầu của nhân dân sang nền hành chính phục vụ nhân dân và kiến tạo phát triển, phù hợp với xu hướng phát triển và điều kiện đất nước hiện nay”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, kết quả đạt được vừa qua khẳng định tính đúng đắn của chủ trương của Đảng về xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đồng thời thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm lớn của các cấp, ngành và sự ủng hộ của nhân dân; cho thấy mục tiêu “tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn” bước đầu đã được hiện thực hóa.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp đánh giá sơ kết 1 tháng vận hành chính quyền địa phương hai cấp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tăng cường đi cơ sở, lắng nghe, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc

Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục trong hoàn thiện thể chế, pháp luật liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự ở địa phương còn gặp khó khăn, thiếu cán bộ chuyên môn sâu. Việc phân cấp, phân quyền phát sinh những vấn đề mới; lúng túng trong áp dụng và cơ chế tài chính, ngân sách còn eo hẹp. Các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ thông tin, hạ tầng điện, internet bảo đảm cho hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp còn bất cập. Công tác tuyên truyền, phổ biến về mô hình chính quyền địa phương 2 cấp ở vài nơi chưa thật sự sâu rộng…

Quán triệt mục tiêu là nhanh chóng khắc phục các bất cập, tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp sao cho phát huy tối đa hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp; tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để vận hành trơn tru, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng, vận hành công cụ đánh giá mức động hài lòng của người dân; tạo động lực, truyền cảm hứng để người dân tham gia 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các bộ, ngành Trung ương phối hợp với địa phương tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy ở các đơn vị hành chính sau sắp xếp. UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp xã theo mô hình mới, bảo đảm rõ người, rõ việc, không chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các địa phương nhanh chóng sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; triển khai đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp; nhất là các kỹ năng quản lý hành chính hiện đại, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp hành chính...

Chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, trong giai đoạn đầu vận hành mô hình mới, cần chú trọng hướng dẫn về thủ tục hành chính, quản lý ngân sách, tổ chức bộ máy và quản lý nhân lực cho cấp tỉnh, cấp xã... theo đúng thẩm quyền từng cấp. Song song với trao quyền, phải tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện phân cấp, phân quyền, tránh tình trạng địa phương hiểu chưa đúng hoặc thực hiện chưa nghiêm.

Các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế tài chính phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đảm bảo nguồn lực cho địa phương hoạt động hiệu quả; tính toán cơ chế hỗ trợ, điều hòa nguồn lực hợp lý; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ việc sử dụng ngân sách, tài sản công sau sáp nhập, tránh thất thoát, lãng phí; đảm bảo nguồn lực được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch trên địa bàn các tỉnh, thành phố mới sau sáp nhập, để tích hợp, điều chỉnh phù hợp với địa giới hành chính mới; sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, không để lãng phí, đồng thời đầu tư, nâng cấp trụ sở làm việc, trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã; đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn, nhanh chóng khắc phục các lỗi trên các hệ thống thông tin do các bộ, ngành quản lý; chú trọng công tác tuyên truyền chính sách, mô hình hay, cách làm tốt.

Nhấn mạnh, trạng thái mới phải có cách tiếp cận, ứng xử mới; và với tinh thần tất cả phải vào cuộc, nhất là người đứng đầu, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan chủ động, tích cực, đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó; phối hợp chặt chẽ, đặc biệt trong chuyển đổi số, nhất là xây dựng cơ sở dữ liệu để chính quyền địa phương 2 cấp vận hành hiệu quả hơn.

Cho biết các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng thực hiện các nhiệm vụ theo phân công, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổ công tác của Chính phủ và các bộ, ngành tăng cường xuống địa phương để nắm tình hình vận hành chính quyền cấp xã; lắng nghe, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức bộ máy và hoạt động của chính quyền cơ sở.

Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, với quyết tâm cao, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mà thường xuyên, trực tiếp là Tổng Bí thư Tô Lâm và sự đoàn kết, đồng lòng ủng hộ của nhân dân, hệ thống chính quyền các cấp sẽ vận hành ngày càng thông suốt, đồng bộ, thuận lợi, hiệu quả hơn.

Phạm Tiếp (TTXVN)
Chính quyền 2 cấp: Cán bộ linh hoạt, nỗ lực vượt khó sau hợp nhất
Chính quyền 2 cấp: Cán bộ linh hoạt, nỗ lực vượt khó sau hợp nhất

Việc sáp nhập tỉnh Thái Bình và Hưng Yên thành một đơn vị hành chính mới với trung tâm hành chính - chính trị đặt tại tỉnh Hưng Yên đã mở ra cơ hội phát triển mới nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN