Bàn các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát

Ngày 18/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011.

Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 đánh giá: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 phát triển theo chiều hướng tích cực, nền kinh tế phục hồi khá nhanh trong điều kiện kinh tế thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.



Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN


Tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn đáng kể so với năm trước và vượt kế hoạch đề ra. An sinh xã hội được bảo đảm. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều khó khăn. Một số chỉ tiêu kế hoạch đạt thấp; đặc biệt là tình hình kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định; giá cả tăng cao về cuối năm; một số vấn đề về xã hội, bảo vệ môi trường còn nhiều bức xúc cần được giải quyết trong thời gian tới.

Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương triển khai giao kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay từ đầu năm 2011. Ngày 9/1/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011. Nghị quyết đề ra 7 nhóm giải pháp lớn với các nội dung cụ thể cần triển khai trong năm 2011.

Báo cáo đánh giá bổ sung về "kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2010, tình hình triển khai thực hiện ngân sách nhà nước năm 2011" cho biết: Năm 2010, thu ngân sách nhà nước vượt 48.584 tỷ đồng so với dự toán, tăng thêm 10.483 tỷ đồng so với báo cáo của Quốc hội; thu ngân sách địa phương vượt 47.610 tỷ đồng so với dự toán, tăng thêm 19.610 tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội.

Bội chi ngân sách nhà nước năm 2010 là 109.460 tỷ đồng, bằng 5,6% GDP, giảm 0,6% GDP so với dự toán, giảm thêm 0,2% GDP so với báo cáo Quốc hội. Báo cáo đã nêu 5 nội dung trọng tâm các bộ, ngành và địa phương cần chú trọng thực hiện trong năm 2011: Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định thị trường; tập trung chỉ đạo, phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước năm 2011 vượt trên 5% so với dự toán được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao; quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả để giảm bội chi ngân sách nhà nước dưới mức đã được Quốc hội quyết định (5,3% GDP); hoàn thiện cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích các hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP), đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi ngân sách nhà nước; tiếp tục thực hiện sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước…

Trên cơ sở tán thành với những định hướng và giải pháp trong Báo cáo bổ sung của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu lên những nội dung, giải pháp cần tập trung thực hiện đối với nhóm giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; nhóm giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh; nhóm giải pháp xã hội và môi trường...

Thảo luận về các nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đề nghị làm rõ, đánh giá về “chất” của tăng trưởng. Đại biểu đề cập tới vấn đề tăng giá cả, đồng tiền mất giá hiện nay đã có những ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống xã hội. “Nhìn vào con số dễ làm thỏa mãn, nhưng thực chất thế nào, cần phải phân tích làm rõ” - đại biểu đề xuất.

Đại biểu cũng đề nghị phải đánh giá những tác động của các biện pháp mạnh đối với sản xuất kinh doanh đã áp dụng trong thời gian vừa qua ra sao; thu chi công chiếm tỷ trọng lớn, có tác động đến sản xuất kinh doanh như thế nào… Đại biểu đánh giá quản lý thị trường ngoại tệ là việc nhiều năm không làm được. Hiện Việt Nam có 3 phương tiện thanh toán chi phối, đó là đồng Việt Nam, ngoại tệ và vàng.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K’sor Phước đề nghị nghiên cứu kỹ các nguyên nhân dẫn tới việc gia tăng sử dụng USD trong chi tiêu nội địa và đề xuất Bộ Tài chính cần tham mưu cho Chính phủ về vấn đề này để có những giải pháp xử lý quyết liệt.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn để ngay từ bây giờ có dự báo CPI trong năm 2011 và cần có các giải pháp tích cực trong triển khai thực hiện. Đại biểu nhấn mạnh lạm phát tăng đang là vấn đề ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân, đặc biệt là người nghèo; cần nghiên cứu để giảm lạm phát.

Cũng cùng quan điểm này, đại biểu K’sor Phước nhấn mạnh, lạm phát tăng nhanh và cao đã làm giảm đi các thành tựu đã đạt được và đối tượng chịu thiệt thòi là người nghèo và người hưởng lương. Tán thành với các giải pháp mà Chính phủ đã nêu, đại biểu cho rằng cần phải làm quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba nêu lên vấn đề "nóng" xung quanh việc tăng lãi suất. Đại biểu phân tích, cùng với việc tăng lãi suất, các doanh nghiệp phải vay với lãi suất cao dẫn tới khả năng khó có lãi trong kinh doanh. Từ đó dễ dẫn tới đổ vỡ, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, gây nên những ảnh hưởng không tốt tới sản xuất, kinh doanh và trật tự xã hội. Đại biểu đề xuất cần có cái nhìn đa chiều và tính toán thêm về vấn đề này.

Về các vấn đề xã hội, đại biểu Trương Thị Mai đề nghị cần rà soát lại tổng thể các chính sách an sinh xã hội để xác định vai trò tham gia của Nhà nước phù hợp trong 10 năm tới. Đại biểu K’sor Phước đề nghị cần làm rõ thêm các vấn đề liên quan tới trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là về ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, đình công trong công nhân lao động… Đại biểu đề xuất tăng cường kiểm tra, đôn đốc các công trình đầu tư cho các vùng còn khó khăn của nước ta...

Buổi chiều, UBTVQH tiếp tục thảo luận và cho ý kiến về Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhận định: Về cơ bản, các thành viên UBTVQH đều nhất trí với các báo cáo của Chính phủ, thống nhất với đánh giá về tình hình, việc hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu cũng như phương hướng, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.

Để hoàn chỉnh các báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp vào cuối tháng 3 tới, có một số vấn đề đáng lưu ý là: Trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội 2010 đã có 16/21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Và tính đến hết năm, 16 chỉ tiêu đã đạt cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao.

Tuy nhiên, những chỉ tiêu chưa đạt ảnh hưởng đến nền kinh tế, đòi hỏi phải tiếp tục cố gắng và rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành. Thực tế cho thấy, sau kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, đã có những điều chỉnh và rút được kinh nghiệm cần thiết về một số vấn đề, tạo ra được những chuyển biến tốt hơn.

Triển khai nhiệm vụ 2011, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lưu ý đến công tác dự báo và điều hành quyết liệt, thường xuyên giữa các tháng, các quý trong một năm nhằm đạt được những chỉ tiêu lớn, ở tầm vĩ mô mà Nghị quyết của QH đã thông qua.

Trong thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách. Tuy nhiên, cần lưu ý một số điểm như: Mặc dù có nhiều cố gắng tăng nguồn thu từ sản xuất nội địa nhưng nguồn thu còn chậm. Năm 2011, cần làm tốt hơn việc quản lý chi tiêu theo dự toán. Đối với các trường hợp ngoài dự toán cần phải có báo cáo rõ. Tăng thu và bố trí tăng chi cho phù hợp…

Quỳnh Hoa, Phúc Hằng - TTXVN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN