TTCK sáng 11/4 vẫn tăng tích cực, lực mua cao giúp thanh khoản đạt trên 25 ngàn tỷ đồng. Ảnh chụp màn hình
Thống kê giao dịch, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt hơn 25.039 tỷ đồng, tương đương tổng khối lượng giao dịch là 1.173,75 triệu cổ phiếu. Trong phiên này, nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng mua với 3.234,89 tỷ đồng, trong khi bán gần 2.758 tỷ đồng.
Các mã cổ phiếu lớn ngành ngân hàng như MBB (+3,63%), SSI (+2,95%), TCB (+2,77%) đều tăng giá, trừ VPB giảm nhẹ (-0,59%). Trái ngược với những phiên trước, ngành bất động sản có sự tăng giảm trái chiều, chẳng hạn như VIC tăng mạnh (+5,09%), trong khi KBC và IDC giảm mạnh, lần lượt là -6,96% và -9,28%.
Các mã ngành công nghệ thông tin, nguyên vật liệu, tiêu dùng không thiết yếu, năng lượng và tiện ích cũng có mức tăng ấn tượng như HPG (+6,81%), MWG (+6,98%), PNJ (+6,88%), FPT (+3,29%)...
Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường chứng khoán phục hồi với sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành, trong đó có sự dẫn dắt của các cổ phiếu lớn trong ngành tài chính và nguyên vật liệu. Để đạt được điều này là nhờ loạt tín hiệu tích cực. Ngoài việc Hoa Kỳ tạm hoãn áp dụng mức thuế suất mới trong 90 ngày đối với một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, thì thông tin trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ với tư cách là Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm để trao đổi về các vấn đề kinh tế - thương mại song phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer cũng được xem là động thái hỗ trợ tích cực cho thị trường.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính - bất động sản toàn cầu đánh giá, cuộc chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc vẫn ngày càng trầm trọng khi Trung Quốc bị áp thuế lên 145%.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo Việt Nam sẽ chịu tác động gián tiếp nhưng sâu sắc, đặc biệt là từ làn sóng hàng hóa Trung Quốc tràn vào thị trường nội địa. Nhưng vấn đề nằm sâu hơn ở các yếu tố phi thuế quan. "Việt Nam đang bị nghi ngờ là nơi trung chuyển hàng hóa Trung Quốc, gian lận xuất xứ, thao túng tỷ giá. Những cáo buộc này mới là thứ khiến Hoa Kỳ dè chừng và ảnh hưởng đến thương mại thực chất", ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, Việt Nam đang xuất siêu sang Hoa Kỳ hơn 100 tỷ USD, một con số khiến nước này đặt câu hỏi về tính công bằng trong trao đổi thương mại. Dù mức thuế có thể được Hoa Kỳ điều chỉnh xuống 20 - 30%, khả năng đạt mức 10% là “khó xảy ra”.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ về ảnh hưởng thuế quan của Hoa Kỳ đến nền kinh tế Việt Nam.
Không dừng lại ở thương mại, chiến tranh thuế quan còn tạo ra một mối lo lớn hơn, đó là khủng hoảng tiền tệ toàn cầu. Dòng chảy hàng hóa chậm lại kéo theo sự đình trệ của dòng tiền. “Khi hàng hóa không lưu thông, tiền tệ cũng “đóng băng”. Đó là công thức cho suy thoái toàn cầu”, ông Hiếu cảnh báo.
Với Việt Nam, một nền kinh tế xuất khẩu, nếu không tiêu thụ được hàng hóa tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, hàng hóa sản xuất ra sẽ tồn kho, đè nặng lên sản xuất nội địa. Đó là chưa kể nguy cơ cạnh tranh gay gắt khi hàng Trung Quốc bị Hoa Kỳ đánh thuế và đổ về các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.
Là trung tâm tài chính - thương mại lớn nhất nước, TP Hồ Chí Minh được TS Hiếu đánh giá là “điểm chịu tác động trực diện nhất”. Xuất khẩu giảm, đầu tư nước ngoài chững lại, dòng kiều hối có nguy cơ suy giảm, tất cả đang đặt ra bài toán khó cho Thành phố.
“Chính quyền TP Hồ Chí Minh cần tận dụng 90 ngày “vàng” sắp tới để xây dựng các kịch bản ứng phó, không chỉ một mà nhiều kịch bản A, B, C. Đặc biệt, kế hoạch thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh có thể bị ảnh hưởng nếu không dự phòng tốt những cú sốc từ bên ngoài”, ông Hiếu nói.
Thực tế cho thấy một số doanh nghiệp FDI đã bắt đầu “rục rịch” tính toán lại vị trí đầu tư. Nếu TP Hồ Chí Minh không nhanh chóng hành động, dòng vốn có thể rẽ hướng sang các thị trường khác với mức thuế thuận lợi hơn.
Một nguy cơ khác mà TS Hiếu nêu là khả năng Trung Quốc tìm cách lách thuế bằng cách đẩy hàng sang Việt Nam rồi xuất đi Hoa Kỳ. Điều này có thể khiến Việt Nam bị Hoa Kỳ áp dụng biện pháp trừng phạt nếu không kiểm soát chặt xuất xứ hàng hóa. “Chúng ta không chỉ cần đối nội tốt mà còn phải đối ngoại khéo”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Hiện tại, Chính phủ Việt Nam đang trong quá trình đàm phán với phía Hoa Kỳ. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu kỳ vọng đoàn đàm phán có thể yêu cầu phía Hoa Kỳ cung cấp bằng chứng cụ thể về những cáo buộc để cùng giải quyết rõ ràng, tránh rơi vào thế bị động.
“Việt Nam không thể chỉ ngồi chờ thuế suất giảm mà phải chủ động xử lý các vấn đề phi thuế quan, kiểm soát gian lận thương mại, chuẩn bị sẵn các phương án đối phó”, TS Hiếu kết luận.