Chứng khoán Mỹ trở về với hiện thực, giảm điểm sau khi phục hồi ngoạn mục

Thị trường chứng khoán Mỹ đã trở về với hiện thực sau khi vừa trải qua ngày tăng điểm mạnh thứ ba trong lịch sử hiện đại.

Chú thích ảnh
Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo kênh CNN ngày 10/4, mặc dù Tổng thống Donald Trump đã tạm dừng áp các mức thuế đối ứng, nhưng những khoản thuế nhập khẩu quy mô lớn khác của ông đã gây thiệt hại đáng kể và nền kinh tế Mỹ sẽ không dễ dàng hồi phục sau những hệ lụy đó.

Mở cửa phiên giao dịch sáng 10/4 (giờ Mỹ), chỉ số Dow Jones đã giảm hơn 900 điểm, tương đương 2,25%, Ngày trước đó, chỉ số này tăng gần 3.000 điểm.

Chỉ số S&P 500 giảm 2,6% và chỉ số Nasdaq giảm 3,1%. S&P 500 vừa có phiên tăng mạnh nhất kể từ năm 2008, trong khi Nasdaq ghi nhận mức tăng trong ngày lớn thứ hai trong lịch sử vào ngày 9/4.

Trước đó, giới giao dịch đã phấn khởi khi Tổng thống Trump tạm thời hoãn áp dụng các mức thuế đối ứng trong vòng 90 ngày.

Hợp đồng tương lai chứng khoán trong phiên 10/4 cũng phản ứng phần nào tích cực trước thông báo của Liên minh châu Âu rằng khối này sẽ tạm dừng các mức thuế trả đũa đối với hàng hóa Mỹ, nhằm hy vọng đạt được một thỏa thuận thương mại sau động thái bất ngờ của ông Trump.

Ông Trump và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent nói rằng hơn 70 quốc gia đang xếp hàng để đàm phán các thỏa thuận thương mại với Mỹ nhằm thoát khỏi các mức thuế và chính quyền Mỹ muốn tạo thêm thời gian để đạt được các thỏa thuận này.

Tuy nhiên, ngay cả sau khi Tổng thống Trump tạm hoãn áp thuế, thực tế vẫn rất rõ ràng. Các nhà kinh tế cho rằng thiệt hại kinh tế đã xảy ra và nhiều người dự đoán sẽ xảy ra suy thoái ở Mỹ và toàn cầu. Họ cho rằng thị trường chứng khoán vẫn đang ở dưới mức trước khi ông Trump công bố các mức thuế vào ngày 2/4. Những khoản thiệt hại lớn trên thị trường, cộng với các mức thuế hiện có và tính chất bất định về chính sách thương mại của Mỹ đã đủ sức để khiến nền kinh tế chao đảo.

Mức thuế chung 10% của Tổng thống Trump có hiệu lực từ 5/4, cũng như mức thuế 25% đối với ô tô, thép và nhôm nhập khẩu, cùng với thuế áp lên một số hàng hóa của Canada và Mexico vẫn được duy trì. Tổng thống Trump cũng tuyên bố sẽ tiếp tục áp thêm thuế đối với dược phẩm, gỗ, chất bán dẫn và đồng.

Sau động thái hoãn thuế của ông Trump, Ngân hàng Goldman Sachs nhận định rằng khả năng xảy ra suy thoái ở Mỹ vẫn giống như tung đồng xu. Ngân hàng JPMorgan Chase cũng tuyên bố ngân hàng này sẽ không thay đổi dự báo về suy thoái, vẫn giữ xác suất xảy ra suy thoái ở Mỹ và toàn cầu ở mức 60% ngay cả sau quyết định tích cực của ông Trump về việc gỡ bỏ dần các mức thuế hà khắc nhắm vào từng quốc gia.

Nhà kinh tế trưởng Joe Brusuelas của công ty tư vấn RSM US nói với CNN: “Tôi cảm thấy nền kinh tế Mỹ vẫn có khả năng rơi vào suy thoái, xét đến hàng loạt cú sốc cùng lúc phải gánh chịu. Điều này chỉ đơn giản là trì hoãn tạm thời chuỗi các mức thuế trừng phạt mà Mỹ sẽ áp lên các đối tác thương mại”.

Dữ liệu mới công bố ngày 10/4 cho thấy lạm phát ở Mỹ đã giảm mạnh trong tháng 3. Dù đây thường là tin vui với nhà đầu tư, song tâm điểm tại Phố Wall hiện vẫn là các mức thuế và triển vọng kinh tế sắp tới.

Giám đốc đầu tư Skyler Weinand tại công ty Regan Capital nói: “Dữ liệu ngày 10/4 là của tháng 3, tức là nhìn về quá khứ và không cho thị trường biết nhiều về việc các mức thuế gần đây đang ảnh hưởng thế nào đến giá tiêu dùng”.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Nhìn lại một tuần thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo vì chính sách thuế quan
Nhìn lại một tuần thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo vì chính sách thuế quan

Trong tuần qua, các nhà giao dịch và nhà đầu tư Phố Wall đã bị đẩy đến bờ vực vì chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN