Giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo hãng tin Reuters, họ phải vội vã tìm chiến lược ứng phó và trấn an khách hàng trong khi hàng nghìn tỷ USD bị “bốc hơi” trên thị trường chứng khoán.
Kể từ khi ông Trump công bố loạt thuế quan quy mô lớn ngày 2/4, chỉ số S&P 500 đã biến động ở mức lịch sử. Chỉ số chuẩn này tiếp tục trượt dốc từ đỉnh hồi tháng 2, chạm ngưỡng báo hiệu thị trường giá xuống, khi các nhà đầu tư dự đoán những kịch bản u ám cho nền kinh tế sau khi ông Trump tuyên bố các mức thuế mới sẽ đẩy rào cản thương mại của Mỹ lên mức cao nhất trong hơn một thế kỷ.
Chỉ số biến động Cboe, được xem là “thước đo nỗi sợ hãi” của Phố Wall, đã vọt lên mức đóng cửa cao nhất kể từ đại dịch COVID-19 cách đây 5 năm.
Sau đó, trong một bước ngoặt bất ngờ ngày 9/4, ông Trump tuyên bố sẽ tạm thời ngừng áp mức thuế cao đối với hàng chục quốc gia trong khi tiếp tục gia tăng áp lực lên Trung Quốc, khiến thị trường chứng khoán phục hồi mạnh mẽ. Chỉ số S&P 500 tăng gần 10% – mức tăng trong một ngày lớn nhất kể từ tháng 10/2008.
Các thay đổi chính sách chóng mặt đã dẫn đến một chuỗi hành động không ngừng nghỉ, gây căng thẳng và kịch tính tại các sàn giao dịch và công ty đầu tư.
Ông Joe Tigay, quản lý danh mục đầu tư tại Quỹ Rational Equity Armor, bình luận: “Tuần này thực sự là một chuyến tàu lượn”. Ông nói rằng tình hình gợi nhớ đến thời điểm thị trường biến động mạnh trong đại dịch.
Ông Chris Murphy, đồng trưởng bộ phận chiến lược phái sinh tại công ty Susquehanna Financial Group, cho biết tốc độ diễn biến quá nhanh trong những ngày qua buộc các nhà đầu tư phải xoay xở nhiều ưu tiên cùng lúc, vừa gọi điện cho khách hàng, vừa giao dịch và cố gắng tìm hiểu thị trường, trong khi các sự kiện kịch tính đã vượt qua cả đợt lao dốc thị trường vì COVID-19 hồi tháng 3/2020.
Ông Murphy nói: “Lần này bị chi phối bởi các thông tin trên báo chí nhiều hơn so với COVID-19. Không có đủ thời gian vì sự kiện này nối tiếp sự kiện kia”.
Các cố vấn tài chính cho biết khi thị trường liên tục mất điểm, khách hàng yêu cầu cập nhật thường xuyên.
Bà Gina Bolvin, Chủ tịch Tập đoàn Quản lý Tài sản Bolvin tại Boston, nói: “Chúng tôi cố gắng liên hệ với càng nhiều khách hàng càng tốt qua thư và điện thoại. Một số khách hàng của tôi cảm thấy an tâm hơn khi biết rằng trong lúc thị trường giảm, bản thân tôi đã đầu tư thêm tiền của chính mình”.
Tuy nhiên, trong khi một số người đón nhận sự biến động, những người khác cảnh báo thị trường vẫn mong manh, chính sách của Mỹ vẫn khó lường và nước Mỹ chưa thoát khỏi nguy hiểm.
Ông Mark Hackett, chiến lược gia trưởng thị trường tại Tập đoàn Quản lý Đầu tư Toàn quốc ở Philadelphia, nói: “Đây chắc chắn là một tín hiệu tích cực, vì cho thấy các cuộc đàm phán đang tiến triển đủ tốt để họ cho rằng cuộc trao đổi ban đầu đã đạt được mục tiêu. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng các đợt tăng 8% trong 20 phút của Nasdaq cũng chẳng lành mạnh hơn các đợt giảm 8% là bao”.
Quyết định đảo ngược của Tổng thống Trump
Sau một tuần lo ngại rằng ông Trump không còn quan tâm đến thiệt hại trên thị trường chứng khoán, một số nhà đầu tư suy đoán thị trường đã buộc ông phải thay đổi quyết định, trong đó có cả đợt bán tháo trái phiếu đỉnh điểm vào ngày 9/4 dẫn đến việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt.
Trước đây, các nhà đầu tư từng có niềm tin rằng ông Trump sẽ đảo ngược chính sách nếu thị trường gặp rắc rối.
Ông Talley Leger, chiến lược gia trưởng thị trường tại Tập đoàn Tư vấn Tài sản, nói: “Tôi nghĩ đây là lời nhắc rằng ông Trump không muốn thị trường chứng khoán rơi vào cảnh mất điểm và cũng không muốn suy thoái, vì vậy điều này buộc ông phải suy nghĩ lại”.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng tình trạng bất ổn dai dẳng quanh chính sách thuế quan vẫn có thể gây ảnh hưởng sâu rộng, cản trở khả năng lập kế hoạch của doanh nghiệp và tác động đến hành vi tiêu dùng.
Ông Alex Morris, Giám đốc đầu tư tại F/m Investments, bình luận: “Họ nhấn nút tạm dừng và thị trường ăn mừng. Nhưng tất nhiên, không ai đảm bảo chúng ta sẽ giải quyết được điều gì trong 90 ngày tới”.
Ngân hàng Deutsche Bank nhận định trong một thông báo rằng việc thay đổi chính sách liên tục sẽ để lại hậu quả lâu dài: “Ngay cả khi các mức thuế được dỡ bỏ vĩnh viễn, nền kinh tế vẫn đã chịu tổn hại vì cảm giác khó đoán định về chính sách”.
Biến động trên thị trường ngày 9/4 chủ yếu tập trung vào thị trường trái phiếu, nơi trái phiếu chính phủ Mỹ bị bán tháo mạnh. Một số nhà đầu tư cho biết các quỹ phải bán tài sản thanh khoản như trái phiếu để đáp ứng các cuộc gọi yêu cầu ký quỹ.
Ông Matt Orton, chiến lược gia trưởng thị trường tại công ty quản lý đầu tư Raymond James, cho bết: “Chắc chắn có sự nhạy cảm với những gì diễn ra trên thị trường trái phiếu. Nếu thị trường trái phiếu sụp đổ, hậu quả có thể rất nghiêm trọng”.
Ông Trump nói rằng thị trường trái phiếu đã phục hồi tốt sau khi nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về thuế quan.
Nhà Trắng cho biết quyết định tăng thuế với Trung Quốc và tạm dừng thuế với các nước khác được đưa ra sau khi nhận được cam kết thiện chí từ phần lớn các đối tác thương mại sẵn sàng ký kết các thỏa thuận có lợi.
Người phát ngôn Nhà Trắng Kush Desai nói: “Lợi ích duy nhất chi phối quyết định của Tổng thống Trump là lợi ích tốt nhất cho người dân Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump vẫn cam kết sử dụng mọi công cụ có thể để giải quyết tình trạng khẩn cấp quốc gia do thâm hụt thương mại kéo dài – bao gồm cả thuế quan và đàm phán”.
Một tuần đầy căng thẳng
Giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Một số nhà đầu tư cảm thấy chuỗi tin xấu liên tục và các đợt đảo chiều dữ dội trên thị trường là điều không thể kéo dài mãi.
Kể từ khi ông Trump công bố kế hoạch thuế ngày 2/4, thị trường chứng khoán đã trải qua những biến động kỷ lục. Chỉ số S&P 500 có mức dao động trong ngày là 8,1% ngày 7/4; trong khi phiên ngày 8/4 ghi nhận một trong những cú đảo chiều lớn nhất trong ít nhất 50 năm qua.
Diễn biến ngày 9/4 thậm chí còn ấn tượng hơn, khi biên độ dao động 10,7% trong ngày – mức lớn thứ năm trong ít nhất 50 năm.
Bà Bolvin nhận xét: “Đây thực sự là một tuần đầy căng thẳng”.