Ngày 3/1, chứng khoán Phố Wall “đỏ sàn” với 3 chỉ số chứng khoán đều giảm hơn 2%. Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jone khép phiên ở mức 22.686,22 điểm, giảm 660 điểm (2,8%), chỉ số S&P 500 giảm 2,5% xuống 2.447,89 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 3% xuống 6.463,50 điểm. Giá cổ phiếu của các công ty công nghệ S&P giảm 5,1%, giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2011. Chỉ số Philadelphia SE Semiconductor mất 5,9%.
Cùng ngày 3/1, giá vàng thế giới chạm mức cao nhất trong 6 tháng rưỡi qua, tiến gần hơn đến mốc 1.300 USD/ounce. Cụ thể tại New York, giá vàng Mỹ giao kỳ hạn tăng 0,8% và khép phiên ở mức 1.294,80 USD/ounce. Trong khi vào lúc 2h17 sáng 4/1 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.291,76 USD/ounce, sau khi có thời điểm chạm 1.292,90 USD/ounce - mức cao nhất kể từ ngày 15/6.
Chuyên gia phân tích Ole Hansen của Saxo Bank cho biết vàng đang được “săn đón” trên hầu hết các kênh mua bán, và với hoạt động đầu cơ gia tăng như vậy, thị trường vàng sẽ tiến đến mức 1.300 USD/ounce sớm hơn dự đoán. Trong một dấu hiệu cho thấy nhu cầu vàng đang ngày càng gia tăng, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã tăng lên 795,31 tấn, mức cao nhất kể từ đầu tháng 8/2018.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc tăng 1,2% lên 15,70 USD/ounce. Trong khi giá bạch kim tăng 0,4% và được giao dịch ở mức 797,20 USD/ounce.
Trong khi đó, đà tăng giá của dầu thô trong phiên giao dịch đầy biến động ngày 3/1 cũng bị hạn chế phần nào bởi những lo ngại về triển vọng ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu.
Kết thúc phiên này tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 0,55 USD (hay 1,18%) lên 47,09 USD/thùng. Trong khi tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng mạnh 1,04 USD (1,89%) lên 55,95 USD/thùng. Biên độ giao dịch của giá dầu trong phiên này khá rộng, với giá dầu Brent dao động trong biên độ 53,93-56,30 USD/thùng, còn dầu WTI dao động trong khoảng từ 45,35 USD/thùng đến 47,49 USD/thùng.
Diễn biến của thị trường chứng khoán, giá vàng và giá dầu phản ánh tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư sau khi Apple lần đầu tiên trong gần 12 năm hạ dự báo doanh thu của hãng với lý do doanh thu từ các dòng điện thoại thông minh iPhone và các thiết bị khác kém khả quan. Nguyên nhân một phần là do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo đó, doanh thu trong các tháng 10-12/2018 (quý đầu tiên của tài khóa 2019) dự kiến giảm xuống còn 84 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức khoảng 91 tỷ USD mà giới phân tích dự đoán trước đó. Sau thông báo của “Trái táo cắn dở”, giá cổ phiếu của tập đoàn đã giảm 10%.
Thêm vào đó, số liệu mới nhất về hoạt động chế tạo kém lạc quan của Mỹ cũng làm thị trường thêm lo ngại về "sức khoẻ" của nền kinh tế thế giới. Báo cáo do Viện Quản lý nguồn cung (ISM) Mỹ công bố cho thấy hoạt động chế tạo công nghiệp của nước này trong tháng 12/2018 đã giảm còn 54,1%, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016 và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2008 khi cuộc khủng hoảng tài chính lên tới đỉnh điểm.
Các nhà chế tạo ô tô lớn cũng thông báo số liệu yếu kém khi kinh doanh xe tại thị trường Mỹ trong tháng 12/2018, trong đó doanh thu bán hàng của hai tập đoàn Ford và General Motors (GM) lần lượt giảm 8,8% và 2,7%. Giá cổ phiếu của Ford giảm 1,5%, trong khi GM giảm 4,1%.
Ông Sam Stovall, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư của hãng Nghiên cứu CFRA tại New York (Mỹ) cho biết kinh tế Trung Quốc vốn được dự báo sẽ giảm tốc, song số liệu của ISM đưa ra thấp hơn dự kiến gây bất ngờ cho giới đầu tư bởi Mỹ dường như được xem là “nơi trú ẩn an toàn trong cơn bão”. Thế nhưng, kinh tế Mỹ hiện đối mặt với “những cơn gió ngược” liên quan đến căng thẳng thương mại. Các nhà đầu tư lo ngại đây là một dấu hiệu dự báo “những điềm gở” và Apple chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”.
Về phần mình, ông Peter Tuz, Chủ tịch hãng Chase Investment Counsel cho biết có đủ số liệu chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm mạnh khi năm 2018 khép lại. Trong đó, vấn đề thương mại và địa chính trị là hai trong số những yếu tố tác động lớn nhất.