Khoảng 14 giờ 34 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.910,30 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 28/8 là 1.906,50 USD/ounce hôm 12/9. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,1% xuống 1.933,10 USD/ounce.
Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ (CPI) dự kiến công bố lúc 19 giờ 30 theo giờ Việt Nam và với giá năng lượng ngày càng tăng, dự báo về số liệu lạm phát chung sẽ mạnh hơn.
Kelvin Wong, nhà phân tích thị trường cấp cao khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại OANDA, cho biết nếu dữ liệu lạm phát của Mỹ nóng hơn nhiều so với dự kiến, lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ có thể sẽ tăng cao hơn và gây áp lực lên giá vàng.
Theo các nhà kinh tế trong một cuộc thăm dò của Reuters, mặc dù Fed dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách ngày 19-20/9, ngân hàng trung ương có thể sẽ đợi đến khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2024 hoặc muộn hơn trước khi cắt giảm lãi suất.
Vàng rất nhạy cảm với lãi suất tăng vì chúng làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Một nguồn tin cho biết, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng dự kiến lạm phát sẽ duy trì ở mức trên 3% trong năm tới, củng cố khả năng tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp vào ngày 14/9 tới.
Các nhà phân tích của ANZ cho biết triển vọng tăng trưởng kinh tế suy yếu ở châu Âu cùng với sự sụt giảm niềm tin vào nền kinh tế Trung Quốc đang tạo điều kiện cho đồng USD tăng giá và hạn chế sức hấp dẫn đầu tư của vàng.
Theo nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của Reuters, vàng giao ngay có thể thử nghiệm mức hỗ trợ 1.905 USD/ounce, sau đó có khả năng “xuyên” dưới mức này và giảm xuống mức 1.898 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay đã có lúc chạm mức thấp nhất kể từ ngày 21/8 và ghi nhận mức giảm 1% xuống 22,87 USD/ounce. Giá bạch kim giảm 0,6% xuống 904,88 USD/ounce, còn giá palladium giảm 0,5% xuống 1.234,73 USD/ounce.
Khoảng 14 giờ 33 phút, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 67,95 - 68,67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).