Tại Phố Wall, chỉ số Dow Jones đã tăng 11,4% - mức tăng trong ngày cao nhất kể từ năm 1933, được thúc đẩy bởi tín hiệu về vviệc Quốc hội Mỹ đã gần đạt nhất trí về gói cứu trợ kinh tế có thể lên tới hơn 2.000 tỷ USD. Các chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng tăng lần lượt là 9,4% và 8,1%.
Các thị trường cũng phản ứng tích cực trước việc Nhóm G7 cam kết sẽ làm "bất cứ điều gì cần thiết", cũng như thông báo hôm 22/3 của FED rằng sẽ bơm tiền không giới hạn vào hệ thống tài chính và duy trì vị thế là bên cho vay cuối cùng của những lĩnh vực kinh tế gặp bất ổn.
Sắc xanh cùng ngày cũng tràn ngập các sàn giao dịch tại châu Âu. Chốt phiên giao dịch 24/3, chỉ số DAX 30 tại Frankfurt đã đạt mức tăng 2 con số (11%), trong khi các chỉ số FTSE 100 ở London, CAC 40 ở Paris lần lượt tăng 7,5% và 8,4%. Chỉ số Euro STOXX cũng tăng 9,2%.
Giá dầu Brent Biển Bắc cùng ngày tăng 2%, đạt 27,58 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tăng 4,2%, đạt 24,33 USD/thùng.
Theo các chuyên gia, những số liệu thống kê tồi tệ báo hiệu sự sụp đổ của khu vực đồng tiền chung Eurozone và hoạt động kinh doanh tại Anh trong tháng 3 đã không ảnh hưởng đến sự hồi phục của các thị trường trong phiên giao dịch 24/3, chủ yếu do giới đầu tư đã dự báo trước về những số liệu "kinh khủng".
Trong khi đó, cam kết bơm tiền của FED cũng là động thái ít thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đến nay. Mặc dù vậy, hiện giới phân tích cũng không thể thống nhất quan điểm rằng sự gia tăng hiện nay có phải báo hiệu sự chấm dứt của đà suy giảm của thị trường do dịch COVID-19 hay không.