Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 đã tăng 7,13% (1.204,57 điểm) lên mức 18.092,35 điểm, trong khi chỉ số Topix tăng 3,18% (41,09 điểm) lên 1.333,10 điểm. Chỉ số Nikkei tăng mạnh trong bối cảnh đồng yen yếu đi so với đồng USD và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tăng cường mua vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF).
Ngoài ra, các thị trường Seoul (Hàn Quốc) cũng tăng hơn 8%, Wellington (New Zealand) tăng hơn 7%, còn Hong Kong (Trung Quốc), Sydney (Australia), Singapore và Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) tăng mỗi thị trường hơn 4%. Các thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) và Mumbai (Ấn Độ) tăng 2%. Thị trường Bangkok (Thái Lan) tăng hơn 1% và thị trường Manila (Philippines) tăng 0,7%. Tuy nhiên, thị trường Jakarta (Indonesia) lại giảm khoảng 1%.
Trước đó, FED đã công bố một số sáng kiến mới để thúc đẩy kinh tế Mỹ đang chịu nhiều sức ép trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, FED thông báo cơ quan này sẽ mua lại không giới hạn số lượng nợ Kho bạc Mỹ - về bản chất là in tiền bổ sung cho nền kinh tế, cũng như có bước đi mới để cung cấp các khoản vay trực tiếp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Sau quyết định này của FED, nhiều nhà đầu tư đã bán tháo đồng bạc xanh khiến đồng tiền này giảm 4% so với đồng AUD (dollar Australia), 3% so với đồng NZD (dollar New Zealand) và hơn 1% so với đồng won của Hàn Quốc, ruble của Nga, lira của Thổ Nhĩ Kỳ và đồng euro.
Việc đồng USD yếu đi đã giúp giá dầu thô, vốn bị kìm hãm ở mức thấp trong nhiều năm qua do nhu cầu giảm và ảnh hưởng của cuộc chiến giá cả giữa các nhà sản xuất dầu Saudi Arabia và Nga, đã tăng lên. Giá dầu Brent Biển Bắc tăng 4,1%, lên 28,15 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ tăng 4,9%, lên 24,5 USD/thùng.