Chỉ số FTSE 100 trên thị trường London (Anh) đã tăng 3,8%, lên 5.183,12 điểm sau khi Anh trở thành quốc gia mới nhất áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm chăn chặn dịch bệnh lây lan. Tại các thị trường ở Khu vực Sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), chỉ số DAX của thị trường Frankfurt (Đức) tăng 5,4%, lên 9.208,98 điểm, chỉ số CAC 40 của thị trường Paris (Pháp) tăng 4,2%, lên 4.079,31 điểm và chỉ số IBEX 35 của thị trường Madrid (Tây Ban Nha) tăng 3,8%, lên 6.467,00 điểm. Chỉ số FTSE MIB trên sàn giao dịch Milan (Italy) tăng 5%, lên 16.332,25 điểm sau khi các nhà đầu tư bớt lo ngại vì số ca nhiễm mới và tử vong tại Italy có dấu hiệu giảm.
Trong khi đó, chỉ số STOXX 600 tăng 3%, nhưng tháng Ba vẫn là tháng tồi tệ nhất của chỉ số này kể từ năm 1987 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đe dọa giảm tốc độ tăng trưởng toàn cầu khi một số nhà phân tích dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Âu trong quý II/2020 sẽ giảm 24%.
Các chỉ số trong lĩnh vực du lịch và giải trí đã tăng 2,6% sau khi trải qua nhiều phiên giao dịch thiệt hại nặng nề nhất trong tháng này. Các công ty khai khoáng, bảo hiểm, dầu khí là những đơn vị thắng lớn trong phiên giao dịch ngày 24/3 khi giá cổ phiếu tăng 5%-6%. Trong khi đó, cổ phiếu của Biomerieux - công ty sinh học đa quốc gia của Pháp - tăng 30% sau khi sản phẩm của công ty này được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép thử nghiệm để chống virus SARS-CoV-2.
Trước đó, FED đã công bố một số sáng kiến mới để thúc đẩy kinh tế Mỹ đang chịu nhiều sức ép trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, FED thông báo cơ quan này sẽ mua lại không giới hạn số lượng nợ Kho bạc Mỹ - về bản chất là in tiền bổ sung cho nền kinh tế, cũng như có bước đi mới để cung cấp các khoản vay trực tiếp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson (Bô-rít Giôn-xơn) đã công bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong 3 tuần kể từ tối 23/3.