Sự thiếu vắng các thông tin từ kinh tế Mỹ khiến giới đầu tư hướng sự chú ý sang các số liệu ảm đạm của một số nền kinh tế khác. Báo cáo thống kê mới nhất từ Chính phủ Nhật Bản cho thấy, kinh tế nước này trong quý IV/2019 đã giảm 1,6% so với quý trước đó và giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2018, ghi dấu quý giảm mạnh nhất trong hơn 5 năm qua, do tác động tiêu cực từ việc tăng thuế tiêu dùng cũng như những thiệt hại từ các cơn bão. Số liệu này được công bố chỉ ít ngày sau khi Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, thông báo đạt mức tăng trưởng GDP 0% trong quý IV/2019 và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo dịch COVID-19 sẽ đe dọa các hoạt động kinh tế toàn cầu trong năm nay.
Thái Lan và Singapore cũng đều chứng kiến mức tăng trưởng GDP yếu hơn trong quý IV/2019. Thậm chí, Singapore còn hạ dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2020 do lo ngại dịch COVID-19 sẽ gây tổn hại cho hoạt động du lịch và thương mại của nước này. Ủy ban châu Âu (EC) dự báo tăng trưởng kinh tế trên toàn khu vực châu Âu sẽ đạt 1,2% trong năm 2020, song thị trường không mấy lạc quan về triển vọng này.
Tuy nhiên, kỳ vọng vào việc Chính phủ Trung Quốc sẽ đưa ra một loạt các biện pháp nhằm giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm thiểu tổn hại từ dịch COVID-19 đã góp phần nâng đỡ thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/2, chỉ số EURO STOXX 50 của châu Âu tăng 0,3%, lên 3.853,27 điểm. Tại thị trường London, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,3%, lên 7.433,25 điểm. Trong khi đó, tại thị trường Paris của Pháp và Frankfurt của Đức, chỉ số CAC 40 và DAX 30 cũng đồng loạt tiến 0,3%, lần lượt đóng cửa ở các mức 6.085,95 điểm và 13.783,89 điểm.
Phiên này, đồng euro có thời điểm chạm mức thấp nhất ba năm so với đồng USD, đứng ở mức 1,0822 USD/euro, trước khi phục hồi vào cuối phiên.