Chốt phiên ngày 10/2 tại sàn giao dịch New York Exchange, sự tăng giá của một số mã chứng khoán hàng đầu của các công ty lớn như Amazon.com, Microsoft Corp và Alphabet Inc đã đẩy 3 chỉ số chứng khoán chủ lực của thị trường Mỹ đồng loạt tăng điểm. Cụ thể, chỉ số Dow Jones tăng 174,31 điểm (0,6%) lên 29.276,82 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 24,39 điểm (0,73%) lên 3.352,1 điểm. Đặc biệt, chỉ số Nasdaq Composite tăng 107,88 điểm (1,13%) lên mức kỷ lục mới 9.628,39 điểm.
Ngoài các yếu tố liên quan đến hoạt động kinh tế tại Trung Quốc, việc kinh tế Mỹ có nhiều dấu hiệu tích cực cũng phần nào khiến giới đầu tư phấn chấn hơn. Giới phân tích nhận định tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý IV/2019 có thể đạt mức 2,3%, cao hơn mức dự báo 2% được đưa ra hồi đầu tháng 1 vừa qua.
Trong khi đó, giới đầu tư châu Á dường như vẫn lưỡng lự do lo ngại rủi ro liên quan ảnh hưởng của dịch bệnh tại Trung Quốc hiện nay.
Mở phiên sáng 11/2, chỉ số chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (MSCI), không tính Nhật Bản, tăng nhẹ 0,1% điểm, chứng khoán Australia tăng 0,6% điểm, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 0,7% điểm. Thị trường chứng khoán Nhật Bản đóng cửa do nghỉ lễ.
Do lo ngại diễn biến phúc tạp của tình dịch bệnh tại Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và kinh doanh tại quốc gia châu Á này, vàng và đôla Mỹ được xem là kênh trú ẩn an toàn đối với giới đầu tư. Do đó, giá vàng và giá đồng bạc Xanh của Mỹ đồng loạt tăng trong phiên giao dịch ngày 10/2.
Giá vàng tương lai tại thị trường Mỹ tăng 0,4%, lên 1.579 USD/oz. Trong khi đó, đồng USD tăng 0,17%.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ dầu tại Trung Quốc - quốc gia nhập khầu dầu mỏ số 1 thế giới - giảm mạnh do dịch bệnh. Theo đó, giá dầu thế giới đã giảm 20% so với giá dầu đỉnh điểm trong tháng 1/2020. Trong phiên giao dịch ngày 10/2, giá dầu thô biển Bắc giảm 1,2 USD còn 53,27 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI trên bảng điện tử của sàn giao dịch hàng hóa New York giảm 75 cent, còn 49,57 USD/thùng.