Ông Phùng Ngọc Đảm, nông dân xã Phước Tân Hưng cho biết, gia đình ông trồng thanh long trên diện tích 5.500 m2. Đến kỳ thu hoạch, giá thanh long chỉ còn từ 1.500-2.000 đồng/kg, có những lúc, không bán được vì các doanh nghiệp, hợp tác xã tạm dừng thu mua để thực hiện hiện các tiêu chí đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.
“Với giá bán 2.000 đồng/kg, gia đình tôi lỗ từ 20-30 triệu đồng. Tình hình này, người trồng thanh long phải chịu thiệt thòi, không biết có cách nào để cải thiện hơn”, ông Ngọc Đảm nói.
Còn bà Nguyễn Thị Trinh, ngụ xã An Lục Long, cho hay, hơn 1 tuần nay, gần 3.000 m2 trồng thanh long của gia đình đang vào vụ thu hoạch. Dù giá chỉ 2.000 đồng/kg, nhưng bà vẫn không bán được vì không có thương lái đến thu mua. Nếu vận chuyển đến nơi tiêu thụ thì chi phí bằng hoặc cao hơn giá thanh long bán ra. Vì vậy, bà đành xót xa ngắt bỏ trái.
Theo ông Trần Thái Long, Giám đốc HTX Thanh Phú Long, hiện hợp tác xã đang thu mua thanh long với giá 2.000 đồng/kg, đây là giá mua hỗ trợ bà con, thực tế giá chỉ 500 đồng/kg.
Mỗi ngày, hợp tác xã thu mua từ 40-50 tấn để cung cấp cho hệ thống siêu thị, bách hóa xanh. Tuy nhiên, hợp tác xã đang gặp khó khăn về kho lạnh và vốn… nên cũng hạn chế mua số lượng lớn.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho biết, thanh long ở huyện Châu Thành đang bước vào mùa thu hoạch với sản lượng khoảng 15.000 tấn. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên việc thu hoạch, vận chuyển, nhân công gặp khó khăn. Hiện Hiệp hội thanh long đang đề nghị các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp thu mua, giúp bà con tiêu thụ thanh long.
Để giúp nông dân tiêu thụ hết sản lượng thanh long đang chờ thu hoạch, các sở, ngành liên quan trong tỉnh phối hợp huyện Châu Thành tìm giải pháp tháo gỡ, giảm bớt một phần thua lỗ cho nông dân trong điều kiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ.
Ông Nguyễn Văn Khải - Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho biết, huyện đang tạo điều kiện cho người dân thu hoạch vụ thanh long, nhưng với phương châm bảo đảm an toàn. Huyện cho test nhanh COVID-19 cho toàn bộ nhân công đi thu hoạch, công nhân ở các kho thanh long của doanh nghiệp 3 ngày/lần, ăn nghỉ tại kho nếu có điều kiện.
Tỉnh Long An cũng đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương hỗ trợ tiêu thụ thanh long; đồng thời, các ngành liên quan trong tỉnh kết nối hệ thống bưu điện các tỉnh tham gia tiêu thụ, vận động các kho hoạt động liên tục để thu mua hàng dự trữ.
Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An (CDC) hỗ trợ huyện Châu Thành 10.000 kít test nhanh COVID-19 cho người lao động thu hoạch, vận chuyển thanh long và người lao động tại các kho để kịp tiến độ thu hoạch, tiêu thụ thanh long tại huyện Châu Thành.
Tại Lâm Đồng: Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, trong 2 tuần gần đây, các mặt hàng rau, hoa giảm mạnh, trong khi giá vật tư phân bón lại tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến đầu tư sản xuất của người dân.
Qua cập nhật thông tin, giá nông sản và vật tư nông nghiệp tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Lâm Hà và thành phố Đà Lạt có những biến động. Cụ thể, các mặt hàng rau ăn quả như cà chua, đậu leo đều giảm mạnh từ 6.000 đồng đến 8.000 đồng/kg so với tuần trước. Các mặt hàng rau ăn củ như cà rốt, khoai tây, su hào… ít biến động. Các mặt hàng rau ăn lá như bắp cải, cải thảo, xà lách lô lô xanh, xà lách cuộn… giảm nhẹ từ 1.000 đồng đến 1.500 đồng/kg.
Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên vận chuyển hàng hóa khó khăn. Các tỉnh có mức tiêu thụ lớn như TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây đang bị giãn cách xã hội do dịch bệnh, nên mức tiêu thụ nông sản giảm. Một số sản phẩm rau ăn lá do người dân trồng tự phát diện tích nhỏ, thiếu liên kết chuỗi, thời gian bảo quản ngắn, không tiêu thụ được, phải nhổ bỏ. Các diện tích có liên kết, thị trường tiêu thụ ổn định giá chỉ giảm khoảng 10% so với hợp đồng đã ký.
Sản phẩm hoa Đà Lạt tiếp tục giảm mạnh, đặc biệt là hoa lily dẫn đến một số diện tích hoa loại 2 và loại 3 phải nhổ bỏ, không tiêu thụ được. Một số loại khác giá tiếp tục giảm mạnh như hoa lay ơn giá chỉ còn 15.000 đồng/chục, giảm 3.000 đồng/chục. Hoa cúc chùm giá 3.000 đồng/bó, hoa cúc cành giá 8.000 đồng/bó, hoa đồng tiền 6.000 đồng/bó, mỗi loại giảm 1.000-2.000 đồng/bó. Giảm mạnh nhất là hoa lily Sorbone và Concador giảm tới 10.000-15.000 đồng, chỉ còn 20.000-30.000 đồng/bó…
Khác với mặt hàng rau quả, một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn lại tăng giá. Cụ thể, cà phê vối nhân xô có giá 37.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng; kén tằm 120.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg. Riêng giá một số loại thịt gia súc, gia cầm giảm nhẹ từ 3.000-5.000 đồng/kg.
Đáng chú ý trong khi các mặt hàng rau, hoa giảm mạnh, thì các loại sản phẩm vật tư phân bón như phân đạm Phú Mỹ, phân kaly Phú Mỹ, phân NPK… lại tiếp tục tăng giá từ 30.000-150.000 đồng/bao. Với giá này đã ảnh hưởng lớn đến đầu tư sản xuất của người nông dân.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, giá các loại phân bón bón tăng cao chủ yếu do thị trường thế giới tăng, khiến giá các loại phân bón nhập ngoại tăng theo. Các loại phân nội địa vì vậy cũng tăng giá theo, chứ thực tế nhu cầu của thị trường tại địa phương cũng đang ổn định, sức mua không có biến động gì lớn. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc vận chuyển vật tư nông sản trở nên khó khăn hơn, đã tác động 1 phần tới giá các loại vật tư nông nghiệp khi tới các đại lý và người sử dụng…