Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc ngành giao thông vận tải mở “luồng xanh” ưu tiên đã giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình vận chuyển, tiêu thụ nông sản và các mặt hàng thiết yếu khác tới các địa phương, nhất là vùng dịch.
Anh Đỗ Hữu Hùng ở xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ là một lái xe thường xuyên chở hàng nông sản của Sơn La về các địa phương khác ở miền Bắc để tiêu thụ; trong đó, phần lớn nông sản được chuyển đến các chợ đầu mối tại thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, từ khi Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc vận chuyển hàng hóa bị chậm trễ do phải thực hiện kiểm tra phòng dịch. Nhưng mới đây, khi ngành giao thông vận tải triển khai mở “luồng xanh” ưu tiên cho vận tải xe của anh được cấp mã QR Code để thuận lợi trong hoạt động lưu thông hàng hóa khi đến những địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.
Anh Đỗ Hữu Hùng chia sẻ: "Khi có thông tin về việc đăng ký “luồng xanh”, chúng tôi đã thực hiện ở trên mạng, thủ tục rất đơn giản. Sau khi đăng ký với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sơn La thì tôi được cấp thẻ nhận diện phương tiện ngay trong ngày. Khi có thẻ, việc vận chuyển hàng thiết yếu đi qua chốt kiểm soát của tỉnh Sơn La và các địa phương khác đã nhanh chóng, thuận lợi hơn. Ngoài ra, tôi còn được hỗ trợ test nhanh COVID-19 tại chốt kiểm soát của tỉnh Sơn La mà không mất chi phí."
Tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở cửa ngõ tỉnh Sơn La đặt tại huyện Vân Hồ, trung bình hàng ngày có trên 1.000 phương tiện và trên 2.000 người vào địa bàn. Đặc biệt, càng về đêm lưu lượng xe ra vào càng nhiều, chủ yếu là xe tải vận chuyển nông sản và hàng hóa thiết yếu.
Vì vậy, khi các phương tiện vận tải hàng hóa có giấy nhận diện phương tiện có mã QRCode còn hiệu lực do Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố cấp được ưu tiên kiểm tra để phương tiện lưu thông trong thời gian nhanh nhất.
Ông Nguyễn Văn Thương, lái xe chở hàng thiết yếu cho một doanh nghiệp ở Hà Nội cho hay, từ lúc có thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên, ông đi lại rất là thuận tiện. Khi qua các chốt kiểm dịch COVID-19 đều được lực lượng chức năng tạo điều kiện để nhanh chóng lưu thông.
Thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sơn La đã hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn thực hiện đăng ký vận chuyển “hàng mau hỏng” và đăng ký cấp thẻ nhận diện phương tiện để ưu tiên hoạt động lưu thông, vận chuyển trên các “luồng xanh”.
Đối tượng áp dụng với phương tiện vận chuyển hàng mau hỏng là hàng hóa có thời hạn sử dụng ngắn cần ưu tiên được vận chuyển nhanh đến người tiêu dùng như nông sản, thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh. Từ cuối tháng 7/2021 đến nay, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sơn La đã tiếp nhận trên 700 hồ sơ đăng ký cấp luồng xanh trực tuyến trên mạng.
Ông Bùi Trọng Thắng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sơn La cho biết, hiện nay, "luồng xanh" Sơn La đã kết nối với "luồng xanh" Quốc gia. Để phát huy hiệu quả "luồng xanh", yêu cầu lái xe, người bốc xếp dỡ hàng hóa theo xe, chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện là các đơn vị kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm bảo đảm lưu thông đúng lộ trình và đúng mục đích. Đồng thời, chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin kê khai để cấp thẻ nhận diện và cam kết sử dụng nhãn “hàng mau hỏng” khi vận chuyển đúng đối tượng, đúng các quy định về sử dụng thẻ nhận diện.
Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh vận tải vận chuyển hàng mau hỏng in bổ sung nhãn “hàng mau hỏng" trên giấy màu vàng; đóng dấu treo của đơn vị và dán kính xe kèm theo với thẻ nhận diện đã được Sở Giao thông Vận tải cấp để các chốt kiểm soát nhận biết và tạo điều kiện cho phương tiện lưu thông một cách nhanh nhất.
Đối với lái xe lưu thông trên "luồng xanh" phải chấp hành nghiêm sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng trên đường và tại các chốt kiểm soát dịch bệnh để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo quy định của Bộ Y tế.
Tỉnh Sơn La hiện đang bước vào vụ thu hoạch nhãn, sản lượng nhãn năm 2021 dự kiến đạt 113.000 tấn. Thời vụ thu hoạch quả từ giữa tháng 7-9. Đến thời điểm này, tỉnh Sơn La còn khoảng 100.000 tấn nhãn cần tiêu thụ.
Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành đang tập trung thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ, tỉnh Sơn La đã tập trung giới thiệu quảng bá sản phẩm nhãn trên các phương tiện thông tin đại chúng, sàn thương mại điện tử, đưa vào hệ thống siêu thị trên toàn quốc.
Đồng thời, làm việc với các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp để tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới và cung cấp thông tin về các doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu nông sản của một số thị trường trên thế giới. Từ đầu vụ đến nay, tỉnh Sơn La đã xuất khẩu được 65 tấn nhãn sang thị trường Trung Quốc, Anh, EU, Hàn Quốc.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng phương án hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình trong công tác sơ chế, chế biến bảo quản sản phẩm nhãn và nông sản khác năm 2021.
Đặc biệt, tỉnh chỉ đạo ngành giao thông vận tải xây dựng phương án tổ chức vận tải hàng hóa trong điều kiện tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến dịch; thành lập "Đội vận tải xanh" sẵn sàng vận chuyển hàng hóa nông sản đi đến các vùng có dịch và các địa phương khi có yêu cầu. Cùng đó, thực hiện hướng dẫn tổ chức phân luồng giao thông, tạo “luồng xanh” vận tải của tỉnh kết nối “luồng xanh “vận tải quốc gia.