Hà Nội bảo đảm đủ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán

Tại hội nghị bàn về đảm bảo cung cầu hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2018 giữa Bộ Công Thương và UBND thành phố Hà Nội chiều 8/1, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, với sự chủ động tích cực của Hà Nội, từ phía sở, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thì việc bình ổn thị trường Tết Nguyên đán năm 2018 sẽ thực hiện tốt.

Người dân chọn mua sản phẩm bánh mứt kẹo truyền thống tại một cửa hàng trên phố Hàng Đường, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Tuy nhiên, Hà Nội cần phải phối hợp chặt chẽ với các tỉnh lân cận, để không chỉ phục vụ Hà Nội mà cần phục vụ các tỉnh lân cận, nhằm tạo nguồn hàng, đảm bảo lưu thông hàng hóa, tránh tình trạng thiếu hàng cục bộ, hoặc găm hàng chờ tăng giá, tạo ra sự đa dạng hàng hóa.

Đồng thời, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Hà Nội cần tăng cường kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, giám sát nguồn hàng, từng bước thực hiện chuỗi liên kết để truy xuất hàng hóa, nguồn gốc và chất lượng… 

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, dự kiến, số lượng hàng hóa chuẩn bị để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết năm 2018 gồm: gạo 193.600 tấn; thịt lợn 50.000 tấn; thịt gà 14.000 tấn; thịt bò 13.800 tấn; trứng gia cầm 200 triệu quả…

Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 26.000 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2017); trong đó, các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng bánh mứt kẹo, rượu bia ước giải khát phục vụ Tết trên địa bàn dự kiến sản xuất đưa ra thị trường phục vụ Tết giá trị hàng hóa khoảng 10.000 tỷ đồng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm hàng phục vụ Tết Nguyên đán như bánh mứt kẹo, giò chả, miến, nông sản chế biến… với tổng trị giá khoảng 2.200 tỷ đồng. Doanh nghiệp kinh doanh thương mại dự kiến dự trữ và đưa ra thị trường giá trị hàng hóa khoảng 12.830 tỷ đồng. Đối với các chợ là kênh phân phối truyền thống và chủ yếu cung ứng các nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết của nhân dân Thủ đô… dự kiến lượng hàng hóa phục vụ Tết ước đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại hệ thống các điểm bán hàng tổ chức các hội chợ Xuân, các chương trình khuyến mại. Tổ chức 150 chuyến bán hàng lưu động về khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội, các khu công nghiệp, khu chế xuất … chú trọng mở rộng mạng lưới điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.


Đồng thời phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công an Thành phố tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trong dịp Tết. Yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu, trung tâm thương mại, siêu thị, các doanh nghiệp bình ổn giá đăng ký các điểm tổ chức bán hàng phục vụ nhân dân trước, trong và sau Tết.

Đặc biệt, Sở Công Thương Hà Nội khuyến khích các điểm bán mở cửa bán hàng đến hết ngày 30 Tết và các điểm bán mở cửa bán hàng trở lại phục vụ nhân dân trong các ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết. Trong vòng 3 giờ sau khi tiếp nhận các thông tin, báo cáo về việc có biến động cung cầu, giá cả hàng hóa bất thường qua đường dây nóng (số điện thoại của Sở Công Thương), Sở Công Thương chủ động tham mưu và triển khai kịp thời các giải pháp điều tiết thị trường, giá cả, vận chuyển và tổ chức các chuyến bán hàng lưu động tại các địa điểm có biến động để tránh gây ảnh hưởng xấu đến thị trường và tâm lý người tiêu dùng.

Nam Giang (TTXVN)
Hà Nội đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết
Hà Nội đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết

Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo và phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chuẩn bị lượng hàng hóa tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2017; tổng trị giá hàng hóa dự trữ đạt khoảng 26.000 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN