Kênh RT (Nga) ngày 26/10 đưa tin tiêu thụ dầu toàn cầu tăng trở lại trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt. Thực tế này trái với một số dự báo từ năm ngoái cho rằng nhu cầu có thể đã đạt đỉnh hoặc gần đạt mức đỉnh. Điều này khiến các ngân hàng Phố Wall tăng đáng kể dự báo giá dầu trong ngắn hạn và trung hạn.
Giá dầu đã đạt mức cao nhất nhiều năm qua trong những ngày gần đây, với dầu thô WTI ở mức cao nhất kể từ năm 2014 và dầu thô Brent ở mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Nhiều ngân hàng đầu tư lớn tin rằng ngay cả sau đợt tăng mới nhất, giá “vàng đen” vẫn còn dư địa để tăng thêm.
Một ví dụ là Goldman Sachs dự đoán giá dầu Brent đạt mức 90 USD/thùng vào cuối năm nay, tăng so với mức 80 USD dự kiến trước đó. Động lực chính cho thay đổi dự báo của ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) là nhu cầu dầu toàn cầu phục hồi trong bối cảnh nguồn cung từ các nhà sản xuất dầu ngoài OPEC + vẫn khá yếu. Ngân hàng Goldman Sachs cũng nhận thấy giá dầu sẽ tiếp tục cao hơn trong những năm tới.
Ông Damien Courvalin, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Năng lượng & Chiến lược Hàng hóa Cấp cao tại Goldman Sachs vào đầu tháng này dự đoán với kênh CNBC (Mỹ) rằng giá dầu trong một vài năm tới sẽ là 85 USD/thùng. Theo ông, nhu cầu dầu mỏ sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm 2022 và năm sau đó.
Ngân hàng RBC Capital Markets (Canada) cũng dự đoán giá dầu sẽ cao về trung hạn. “Chúng tôi duy trì quan điểm rằng thị trường dầu mỏ vẫn ở những ngày đầu của chu kỳ nhiều năm với cấu trúc mạnh mẽ”, nhà phân tích Michael Tran của RBC Capital Markets chia sẻ với hãng thông tấn Reuters (Anh) vào giữa tháng 10.
Tuần trước, ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ) nâng triển vọng giá dầu dài hạn thêm 10 USD/thùng lên mức 70 USD/thùng. Trong khi đó, hãng tin Bloomberg (Mỹ) cho biết ngân hàng BNP Paribas (Pháp) kỳ vọng giá dầu ở mức gần 80 USD/thùng vào năm 2023.
Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) cho rằng giá dầu “sẽ tiếp tục được hỗ trợ tốt trong năm tới”, với thị trường thắt chặt ít nhất cho đến quý đầu tiên của năm 2022, do lượng tồn kho thấp nhất của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) kể từ năm 2015.
Các nhà phân tích của UBS vào ngày 22/10 nhận xét: “Trong khi nhu cầu dự kiến sẽ tăng trong năm tới, sản lượng bổ sung của OPEC + và Mỹ sẽ dẫn đến thị trường dầu cân bằng. Với nhiều thành viên OPEC + đang gặp khó khăn để tăng sản lượng phù hợp với kế hoạch của nhóm, số dầu bổ sung vào năm 2022 có thể sẽ chỉ là một phần nhỏ so với mức tăng đề ra là 3,76 triệu thùng mỗi ngày để ngăn chặn thị trường cung cấp quá mức. Do vậy, giá dầu Brent có thể đạt mức 90 USD/thùng từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, sau đó về mức 85 USD/thùng vào thời gian còn lại của năm 2022”.
Theo ông Greg Hill, Chủ tịch tập đoàn sản xuất dầu Hess Corp (Mỹ), ngành công nghiệp dầu mỏ đang "bị thiếu đầu tư" vào nguồn cung để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.