Người chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN |
Theo TS Đặng Kim Sơ
n, ở
Việt Nam, sản xuất nông nghiệp vẫn rất manh mún. Trong khi đó, hoạt
động thu mua của thương nhân cũng mang tính chất nhỏ lẻ, chi phí giao
dịch cao và rất dễ xảy ra rủi ro. Bên cạnh đó, do sản xuất và kinh doanh
phân tán nên tín hiệu thị trường không vận hành thông thoáng; giữa sản
xuất và tiêu thụ bị chia cắt. Điều này dẫn đến hậu quả nhãn tiền là tình
trạng "được mùa mất giá" diễn ra lặp đi lặp lại nhiều lần. "Lâu nay
chúng ta vẫn chưa xử lý được tận gốc vấn đề này" - TS Đặng Kim Sơn nhấn
mạnh.
Trong
khi đó, cách thức quản lý của các cơ quan chức năng vẫn chưa thay đổi
đáp ứng kịp với thể chế thị trường hiện đại. Hiện vẫn chỉ lo làm sao để
phát triển cung, trong khi không quan tâm, thậm chí còn chẳng tính đến
nắm bắt và hiểu tình hình cầu trên thị trường.
Bên
cạnh đó, mục tiêu phát triển chủ yếu của các đơn vị, các địa phương vẫn
nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế, tăng số lượng và qui mô sản xuất. Hậu
quả là hiện nay, rất nhiều mặt hàng diện tích sản xuất đã vượt quá quy
hoạch, không có cách nào điều tiết nổi. Mục tiêu giá trị, thu nhập, hiệu
quả, vững bền chưa được coi trọng.
"Điều này thể hiện ngay trong cơ cấu bộ máy tổ chức các bộ ngành. Đa phần các Cục, Vụ, Viện chỉ lo quản lý, thúc đẩy sản xuất để đúng thời vụ, đạt chỉ tiêu chứ ít quan tâm đến việc phát triển thị trường thế nào, bán hàng ra sao? Đa số cán bộ có chuyên môn kỹ thuật sản xuất, số người cho chuyên môn, năng lực kinh doanh rất ít. Các cấp lãnh đạo đến địa phương vẫn quen chỉ đạo nuôi con nọ, trồng cây kia, không mấy ai có khả năng định hướng phát triển thị trường. Đó là cách hành sử của Nhà nước quản lý, can thiệp kiểu cũ, không phải phong cách và năng lực của một Nhà nước kiến tạo theo đúng nghĩa" - TS Đặng Kim Sơn bày tỏ.
TS Sơn cho rằng, đã đến lúc các cơ quan chuyên môn cần tạo được một môi trường phát huy được ưu thế của cơ chế thị trường, vừa khắc phục được những khiếm khuyết của nó. Phải tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế chủ động ra quyết định và tự chịu trách nhiệm sản xuất kinh doanh. Trong định hướng sản xuất, vai trò của các cấp lãnh đạo, các cơ quan quản lý chỉ nên dừng ở mức “khuyến” thôi.
"Điều mà người dân cần nhất ở Nhà nước lúc này là giúp họ nghiên cứu thị trường, cung cấp cho họ thông tin và định hướng về thị trường như tiêu chuẩn, chính sách ở thị trường, kênh phân phối tiêu thụ... Khi Nhà nước cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin thì người sản xuất, kinh doanh sẽ sử dụng thông tin đó để ra quyết định một cách thận trọng và hợp lý nhất. Từ đó mới có thể giảm thiểu thiệt hại của nền kinh tế và của từng người sản xuất" - ông Sơn chia sẻ.
TS Đặng Kim Sơn cho biết, một khoảng trống quan trọng hiện nay là hầu như chưa có các tổ chức chuyên trách và chịu trách nhiệm về vấn đề nghiên cứu thị trường, ngành hàng và hệ thống thông tin thị trường cho nông dân. Có lẽ đã đến lúc phải tập trung hình thành các cơ quan chuyên trách làm nhiệm vụ thiết yếu này. Các tổ chức này phải có cơ chế vận hành hiệu quả, bám sát được yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Những kết quả nghiên cứu mà các tổ chức này đạt được sẽ phải được công bố rộng rãi, dễ hiểu để giúp người dân chủ động để đưa ra quyết định đầu tư, thu hẹp, hoặc mở rộng quy mô kinh doanh, điều chỉnh ngành nghề. Từ đó mới có thể giúp người dân nắm bắt, dự báo được tình hình thị trường chứ không phải việc đã rồi mới đưa ra những phương pháp như kiểu “giải cứu” rất cảm tính như hiện nay.
"Các tổ chức này tốt nhất nên áp dụng mô hình tổ chức theo kiểu liên kết công tư. Phần nghiên cứu thông tin mang tính chất cơ bản, phi lợi nhuận cho đông đảo nông dân thì Nhà nước sẽ làm, còn lại những thông tin đem lại lợi nhuận có thể trao quyền cho doanh nghiệp. Khi nhà nước và doanh nghiệp cùng làm sẽ thúc đẩy quá trình hiệu quả hơn. Nguyên tắc này sẽ đặc biệt có tác dụng trong điều kiện nguồn ngân sách Chính phủ có hạn, hay nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) ưu đãi đang bị thu hẹp dần." - TS Đặng Kim Sơn nói.