Đã giải cứu một nửa số thịt lợn, giá bán đang tăng dần

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến nay đã giải cứu được trên một nửa số thịt lợn cần bán, ước chừng còn khoảng 200.000 tấn. Nếu cuộc “khủng hoảng thịt lợn” chấm dứt vào cuối tháng 5 thì tổng thu ngành nuôi lợn sẽ giảm khoảng 10.000 tỷ đồng.

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT).

Ông đánh giá ra sao về tình hình giải cứu lợn ở các địa phương tính đến thời điểm này?

Hiện nay các địa phương đều đã vào cuộc khá quyết liệt, nhất là vùng chăn nuôi trọng điểm. Các bộ lớn như Quốc phòng, Công Thương, Công an... và các tỉnh đều lập ban chỉ đạo giải cứu lợn cho thấy tính kịp thời về nhà nước. Một số tỉnh như Hà Nội, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh... đã mời gọi DN vào cuộc thu mua thịt lợn cho nông dân. Cùng với đó, một số tỉnh đã mở các điểm mới bán lẻ, hiện nay có 30% báo cáo đã xúc tiến mở thêm điểm bán trên thị trường, tăng tiêu thụ ra thị trường. Tăng cường cấp đông, hiện việc này còn khó thực hiện và tiến độ hơi chậm do kho lạnh số lượng nhiều nhưng đáp ứng yêu cầu nên tiến độ còn chậm nhưng hiện nay cũng có nhiều DN đăng ký cấp đông.

Tính đến thời điểm này, số lượng lợn còn tồn trong dân khoảng 1,5 triệu con, tương đương 200.000 tấn thịt lợn hơi. Như vậy, chúng ta đã giải cứu được trên một nửa số lượng lợn cần bán. Đây là kết quả rất tốt, chúng tôi cũng kỳ vọng số lợn bán ra từ nay đến hết tháng 6 sẽ tăng lên.

Đáng mừng là hiện nay giá lợn hơi đang nhích lên ở tất cả các khu vực. Hiện nay, tại khu vực Bắc Bộ, giá lợn bình quân từ 24.000 - 25.000 đồng/kg, nơi cao nhất tăng 8.000 -9.000 đồng/kg, nơi thấp nhất cũng tăng 2.000- 3000 đồng/kg. Dấu hiệu của giá thịt lợn tăng lên vẫn còn tiếp tục.

Khủng hoảng thừa lợn, giảm giá ảnh hưởng đến chỉ tiêu của toàn ngành chăn nuôi như thế nào thưa ông?


Giá lợn giảm 2 tháng trở lại đây, theo tính toán của chúng tôi, nếu chấm dứt hết tháng 5 thì sẽ giảm khoảng 10.000 tỷ đồng, không lớn so với 6 – 7 tỷ USD của tổng thu ngành chăn nuôi. Ngành chăn nuôi mỗi năm tính kỹ tổng giá trị khoảng 160.000 tỷ đồng, nếu giá lợn giảm khoảng 10.000 tỷ đồng thì không phải lớn. Bên cạnh đó, giá thịt bò, thịt gà tương đối ổn định, giá sữa vẫn cao, sản phẩm khác ổn định nên không quá ảnh hưởng.

Thịt lợn giảm giá khiến người chăn nuôi lao đao. Ảnh: TTXVN

Vậy sau cuộc khủng hoảng này, chúng ta cần làm gì để vực dậy ngành chăn nuôi lợn, thưa ông?


Việc này đã được Thủ tướng ký vào các văn bản chỉ đạo ngành. Liên quan đến lĩnh vực ngành, chúng tôi tập trung vào 4 nội dung sau: Thứ nhất, làm rất tốt công tác quản lý về số lượng cũng như về thông tin. Sau hội nghị này, chúng tôi yêu cầu tất cả các tỉnh phải cập nhật thông tin hàng tuần. Khi có thông tin, chúng tôi sẽ cảnh báo trên hệ thống mạng để tất cả người dân được biết và cũng từ đó, chúng tôi tính toán các phương án đáp ứng yêu cầu phát triển.

Thứ hai, rà soát lại quy hoạch các tỉnh, trên cơ sở đó các tỉnh sẽ có báo cáo tới UBND, HĐND cấp tỉnh để có tính toán sự phát triển tương đối cân bằng.

Thứ ba, tập trung phát triển tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất để giảm giá thành sản phẩm. Đây là cơ hội loại bỏ cái xấu đưa cái tốt phát triển lên.

Thứ tư, tăng cường hợp tác thanh tra, kiểm tra đối với các sản phẩm đầu vào của chăn nuôi, rà soát lại văn bản pháp lý có liên quan, trên cơ sở đó có những điều chỉnh hợp lý.

Theo nhiều đánh giá, việc khủng hoảng thịt lợn hiện nay một phần là do chưa thực hiện chăn nuôi theo chuỗi, ý kiến của ông ra sao?

Hiện nay đang làm chuỗi rất nhiều, riêng ngành chăn nuôi có trên 1000 chuỗi ở tất cả các tỉnh. Có nhiều loại chuỗi, loại chuỗi hoàn chỉnh chỉ có tập đoàn lớn làm được. Tức là từ sản xuất con giống, chế biến thức ăn, giết mổ cho đến tiêu thụ. Những chuỗi đó giảm thiểu nhiều chi phí, giá đến tay đến người bán giảm 17-18%, lợi nhuận tăng lên.

Nhưng hiện nay chủ yếu là chuỗi dở dang, chỉ đến giai đoạn đi bán tức là chỉ thực hiện từ con giống thức ăn, thú y, vận chuyển còn từ khúc đó đến tay người tiêu dùng thì nó lại chưa thực hiện được và chính khúc đó khiến bị tăng thêm chi phí.

Chính vì vậy, việc người chăn nuôi bị “làm giá”, thua thiệt và người chăn nuôi không biết làm cách nào khác, buộc phải bán lợn theo giá của thương lái, thu mua. Do đó, hiện nay cần tăng cường chuỗi đó để quản lý. Dĩ nhiên, phải áp dụng theo cơ chế thị trường còn nhà nước tác động đến mức nào thì phải tính cụ thể trên cơ sở định dạng về pháp luật. Nhưng quan trọng nhất là định hướng cho người chăn nuôi, doanh nghiệp là nên gắn với giết mổ, chăn nuôi và bán ra thị trường, chứ nếu cứ để trung gian như hiện nay thì khó.

Một bộ phận nữa là người dân chỉ biết chăn nuôi, đợi thương lái mua vì không nắm được thị trường, không tham gia chuỗi nào cả. Những người đó chăn nuôi theo phong trào như vậy bao giờ cũng phải chịu thiệt thòi và sức ép lớn nhất. Chỗ này cần tính toán lại, đưa vào tổ chức, HTX, gắn với DN để sản xuất, chứ như hiện nay thì khó, thị trường bị méo mó hết cả. Cùng đó phải có sự chung tay của nhiều ngành như Công Thương, Công an...cùng quản lý.

Nhiều người lo ngại sau khủng hoảng lợn sẽ là khủng hoảng của các con vật nuôi khác, ý kiến của ông như thế nào?

Chúng ta có 3 con vật nuôi chính là lợn, gia cầm và đại gia súc. Riêng với đại gia súc, hiện nay tỷ lệ thịt cũng như đầu con chiếm trong tổng ngành chăn nuôi không lớn, chỉ khoảng 10%. Do đó, khủng hoảng đối với đại gia súc là khó do dư địa tiêu thụ còn khá dồi dào và số lượng không nhiều vì con vật này có chu kỳ sinh sản dài, nhất là đối với trâu, còn bò tăng trưởng 2-3% song cũng chưa đáng ngại.

Riêng đối với gia cầm, cả nước có khoảng 360 triệu con, nhịp độ tăng trưởng đều khoảng 3,8%. So với sức tiêu thụ của trên 90 triệu dân, tôi cho rằng khủng hoảng đối với gia cầm cũng không đáng ngại. Tới đây khi chúng ta mở cửa xuất khẩu gà sang Nhật Bản thì sản lượng tiêu thụ sẽ tăng lên. Các sản phẩm khác như sữa vẫn đang rất thiếu, không sợ khủng hoảng.

Nhiều địa phương lo ngại sau khủng hoảng lợn sẽ xảy ra đại dịch, đây là vấn đề rất đáng quan tâm, Cục Chăn nuôi đã có văn bản gửi xuống các địa phương thông tin cho các tỉnh, từ đó thông tin đến người chăn nuôi không phải vì giá xuống mà chúng ta bỏ bê công tác phòng dịch bệnh.

Tôi tin, kinh nghiệm các tỉnh và với hệ thống mạng lưới thú y dày đặc, việc bùng phát dịch bệnh là không đáng lo ngại. Bên cạnh đó chúng ta có rất nhiều kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo chúng ta cũng rất chú trọng vấn đề này. Do đó, việc quản lý dịch bệnh sẽ rất tốt.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trung Hiếu/Báo Tin Tức
Vận động người chăn nuôi tham gia quy trình truy xuất nguồn gốc thịt lợn
Vận động người chăn nuôi tham gia quy trình truy xuất nguồn gốc thịt lợn

UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa yêu cầu các đơn vị chức năng đẩy mạnh vận động người chăn nuôi tham gia quy trình truy xuất nguồn gốc thịt lợn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN