Tại Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi lợn của cả nước với 1,7 triệu con. Hiện tại, giá lợn loại 1 từ: 26.000 - 28.000 đồng/kg, loại 2 từ 22.000 – 23.000 đồng/kg. Loại ba là những con quá lứa, giá từ 18.000 – 22.000 đồng/kg. Như vậy, so với thời điềm đầu tháng 5, giá lợn đã tăng nhẹ.
Còn tại khu vực phía Bắc, theo chủ các trang trại ở Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang… giá lợn có tăng nhưng không đáng kể. Hiện ở mức 20.000 – 22.000 đồng/kg.
Theo chị Hải Yến (Thanh Sơn, Phú Thọ), gia đình chị đang muốn bán đàn lợn loại 130 kg/con với giá 20.000 – 22.000 đồng/kg. Đã có thương lái đặt mua. Mức giá này so với trước đây tăng khoảng 3.000 – 4.000 đồng/kg.
Tuy giá lợn hơi đã tăng nhưng so với giá thành sản xuất vẫn còn một khoảng cách rất xa. Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết: “Giá lợn tăng nhưng chưa đủ bù chi phí sản xuất của bà con nông dân. Vì giá sản xuất mỗi kg lợn hơi khoảng từ 35.000 – 38.000 đồng/kg”.
Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ đã phải bán tống, bán tháo lợn trong thời gian qua vì không còn kinh phí để nuôi tiếp. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN. |
Theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, hiện một số công ty đang xuất khẩu lợn sang Trung Quốc nhưng số lượng chưa nhiều, khoảng vài chục xe mỗi ngày (tương đương 1.000 con). Do vậy, giá lợn chưa thể tăng mạnh trong thời gian tới. Giá lợn tại miền Tây cũng tăng nhẹ lên mức 27.000 – 29.000 đồng/kg do một số cơ sở xuất khẩu được qua Campuchia.
Theo các chuyên gia chăn nuôi, số lượng lợn tồn ở Đồng Nai còn rất lớn, nhưng chủ yếu là lượng tồn của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, nhiều hộ dân đang nuôi gia công cho họ.
Còn số lượng lợn tồn của các trang trại tư nhân không nhiều. Nhiều hộ đã phải bán tống, bán tháo trong thời gian qua, vì không đủ vốn để trụ lại.
Bên cạnh đó, các công ty chăn nuôi lớn vẫn duy trì mức giá bán thấp, khoảng 22.000 đồng/kg tại Đồng Nai, bán ra với số lượng lớn, khiến giá thị trường không thể nhích lên được. Hơn nữa, các công ty lớn cũng không có ý định giảm tổng đàn.
Theo TS Đào Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khâu phân phối thịt lợn trong nước chưa hình thành được các chuỗi giá trị, có quá nhiều khâu trung gian nhưng hầu như đều có quy mô nhỏ, hoạt động manh mún, tự phát.
Phân phối thịt lợn chủ yếu qua các kênh truyền thống chứ không phải kênh phân phối hiện đại như siêu thị hay trung tâm thương mại. Trong khi đó, ở các chợ bán lẻ, các tiểu thương thường “liên kết” với nhau để áp giá.
Do vậy, ông Đào Thế Anh cho rằng, nên thành lập các “hiệp hội thịt”, có thể có sự tham gia của những đơn vị giết mổ, chế biến thịt, vừa liên kết được sức mạnh của từng bộ phận vừa giảm bớt được các khâu trung gian.