Theo đánh giá, đây là đợt xuống giá thấp nhất và lâu nhất từ trước đến nay và vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Người chăn nuôi theo quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn đang chịu cảnh lao đao bởi phụ thuộc giá cả thị trường, bị thương lái ép giá. Nhiều hộ rơi vào tình trạng thua lỗ, thậm chí trắng chuồng khi không đủ chi phí để tiếp tục chăn nuôi.
Trước tình hình trên UBND tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm giải cứu cho người chăn nuôi trong thời điểm khó khăn này. Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Cục Hải quan Thanh Hóa, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, UBND các huyện biên giới tạo điều kiện tối đa cho việc xuất khẩu lợn, kể cả tăng thêm thời gian làm thủ tục xuất khẩu đối với mặt hàng này.
Đồng thời, chỉ cho phép tái xuất thịt lợn và phụ phẩm thịt lợn đông lạnh sau khi đã xuất khẩu các lô hàng lợn, thịt lợn trong nước đang chờ thông quan tại các cửa khẩu nhằm đảm bảo việc bảo quản lợn, thịt lợn đang chờ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương trong tỉnh thông báo tới doanh nghiệp được lựa chọn tái xuất thịt lợn, phụ phẩm thịt lợn đông lạnh qua địa bàn tỉnh để chủ động điều tiết lượng hàng tạm nhập, tái xuất; theo dõi diễn biến tình hình giao nhận, kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc...
Ông Nguyễn Viết Thái, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, thời gian qua, cùng với các địa phương trong cả nước, người chăn nuôi ở Thanh Hóa cũng gặp không ít khó khăn khi giá lợn hơi liên tục giảm sâu và vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Nhiều hộ chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi lớn theo mô hình trang trại lâm vào cảnh lao đao và đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, cùng với những giải pháp chung, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đề nghị Công ty TNHH Hoa Mai và Công ty Cổ phần Chế biến súc sản xuất khẩu Thanh Hóa (thành phố Thanh Hóa) tăng cường thu mua lợn sữa, lợn thịt để chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu và dự trữ cấp đông nhằm tiêu thụ nguồn lợn thịt đang tồn đọng trên thị trường Thanh Hóa.
Nhằm tiết giảm chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đề nghị các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi kiểm soát chặt chẽ các khâu trong quá trình sản xuất, lựa chọn các nguyên liệu đảm bảo chất lượng, tăng cường sử dụng các nguyên liệu hiện có tại địa phương như: bột ngô, bột cá, bột đầu tôm... để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Ngoài ra, các nhà máy tăng cường chế biến các sản phẩm làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi từ các nguồn trong nước thay thế nhập khẩu, áp dụng công nghệ sinh học trong sản xuất các chế phẩm sinh học, thay thế kháng sinh, tận thu khối lượng lớn hữu cơ trong sản xuất để giảm chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi, tiến tới giảm giá bán thức ăn cho bà con…