Vẫn phải tái đàn lợn để tránh khủng hoảng nguồn cung thời gian tới

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi tại “Hội nghị giao ban thảo luận các giải pháp tăng cường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng 17/5, tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, 4 tháng đầu năm 2017, chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do giá cả liên tục xuống thấp, nguồn cung nhiều hơn so với nhu cầu tiêu thụ. Ước tính số lợn hiện tại của cả nước giảm khoảng 0,2% so với cùng kỳ năm  2016. Hiện nay, đàn lợn vẫn tiếp tục giảm do hiệu ứng về giá ở tất cả các địa phương, nhất là lợn nái.

Tính đến thời điểm tháng 5/2017, giá thịt lợn hơi giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua với giá từ 18.000 – 20.000 đồng/kg, người chăn nuôi phải chịu lỗ nặng, mỗi con lợn có thể lỗ từ 1 triệu – 1.5 triệu đồng. Theo tổng hợp nhanh từ các địa phương, hiện tại còn một lượng lợn thịt trọng lượng từ 100 -1 50 kg/con tồn đọng trong các cơ sở chăn nuôi, ước tính tương đương khoảng 200 ngàn tấn thịt hơi.

Vẫn phải tiếp tục tái đàn lợn để tránh khủng hoảng nguồn cung thời gian tới. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Ông Trọng cũng chỉ ra nghịch lý hiện nay, khi giá xuất chuồng thấp như vậy nhưng giá thị lợn đến tay người tiêu dùng vẫn cao, từ 70.000 – 90.000 đồng/kg thịt tùy loại. “Có nghĩa là người tiêu dùng không mua được thịt giá rẻ, người chăn nuôi bán lỗ vốn trong khi phần chênh lệch thì thương lái, khâu trung gian hưởng. Nghịch lý này chỉ được giải quyết nếu người chăn nuôi chuyển dần từ cách làm truyền thống sang chăn nuôi với quy trình khép kín từ sản xuất tới cung ứng, tham gia chuỗi liên kết, đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm...”, ông Trọng nhấn mạnh.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thịt lợn rớt giá thảm hại thời gian qua là do sự phát triển nóng trong khi thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng, việc bán lợn hơi qua tiểu ngạch gặp nhiều khó khăn do chính sách quản lý đường biên. Vấn đề chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm và kết nối thị trường trong và ngoài nước với mặt hàng thịt lợn còn yếu kém, bất cập, không tương xứng với tốc độ tăng đàn và sản lượng lợn thịt sản xuất ra.

Ngoài ra, khâu kiểm soát tiêu thụ nhất là đối với thương lái thu mua lợn hơi còn nhiều lỗ hổng, từ đó gây ra lũng đoạn thị trường và tâm lý đám đông ảnh hưởng đến tâm lý người chăn nuôi cũng như giá thịt lợn.

“Việc khủng hoảng giá lợn trong 4 tháng đầu năm đã bộc lộ tồn tại, các hình thức tổ chức sản xuất chăn nuôi còn bị cắt khúc, chưa xây dựng được mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi lợn, gia cầm, thiếu liên kết, không gắn với sự biến động của thị trường. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và hạn chế trong tiếp cận thông tin thị trường của người dân, phụ thuộc vào thương lái đã dẫn đến tình trạng trên”, ông Trọng cho hay.

Trong bối cảnh khủng hoảng chăn nuôi lợn và giá thịt lợn thời gian gia, Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều văn bản và cùng với các địa phương tháo gỡ, ổn định phát triển chăn nuôi. Một số địa phương đã thực hiện những giải pháp tháo gỡ và ổn định chăn nuôi. Điển hình như Đồng Nai đã tổ chức 11 điểm thu mua lợn tập trung với giá khoảng 30.000 – 31.000 đồng/kg và bán sản phẩm thịt với giá ổn định từ 55.000 – 60.000 đồng/kg. Cùng đó, các công ty đã đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng thịt lợn trong thời gian qua.

Nhận định tình hình trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT cho biết, 6 tháng cuối năm 2017 vẫn là giai đoạn khó khăn của ngành chăn nuôi, thị trường chưa ổn định. Chăn nuôi trong nước phải chịu áp lực cạnh tranh về giá và chất lượng với một số sản phẩm nhập khẩu trong khi chưa có nhiều sản phẩm xuất khẩu, công tác thị trường còn nhiều yếu kém, chế biến và giết mổ vẫn là khâu yếu. Việc giảm đàn thời gian này sẽ ảnh hưởng đến sản xuất giai đoạn sau. Do đó, cần duy trì đàn lợn chưa xuất chuồng để tránh thiếu hụt, khủng hoảng thịt lợn trong thời gian tới.

Ông Trọng đề xuất, thời gian tới, cần có những tổ hợp tác, xây dựng chuỗi liên kết nhằm chủ động kiểm soát việc tổ chức sản xuất chăn nuôi gắn với thị trường. Trước mắt, các tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ người dân mở các điểm bán thịt lợn nhằm giảm chi phí trung gian, giảm thua lỗ cho người chăn nuôi. Cùng với đó là thực hiện các giải pháp về chế biến, dự trữ và nâng cao giá trị cho sản phẩm, từng bước tiến tới xuất khẩu bền vững.

PV/Báo Tin Tức
Vận động người chăn nuôi tham gia quy trình truy xuất nguồn gốc thịt lợn
Vận động người chăn nuôi tham gia quy trình truy xuất nguồn gốc thịt lợn

UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa yêu cầu các đơn vị chức năng đẩy mạnh vận động người chăn nuôi tham gia quy trình truy xuất nguồn gốc thịt lợn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN