Giá dầu Brent kỳ hạn chốt phiên cuối tuần tăng 3,03 USD, hay 3,3%, lên 94,44 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 3,22 USD, tăng 3,6%, lên 93,1 USD/thùng.
Giá cả hai loại dầu đều chạm các mức kỷ lục kể từ cuối năm 2014, vượt các mức đỉnh được lập trong phiên đầu tuần và khép lại tuần qua là tuần tăng thứ tám liên tiếp, do những lo ngại gia tăng về nguồn cung toàn cầu khi nhu cầu phục hồi sau đại dịch.
Giá dầu thô tiếp tục tăng mạnh sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan trong phát biểu với báo giới nhận định xung đột giữa Nga và Ukraine có thể xảy ra bất cứ khi nào.
Thị trường nhận được lực đẩy vào đầu phiên sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế trong báo cáo hàng tháng cảnh báo các dấu hiệu cho thấy Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác sẽ không đạt được mục tiêu sản lượng dầu.
Người phụ trách về chiến lược hàng hóa tại tập đoàn dịch vụ tài chính ING (Hà Lan) Warren Patterson cho rằng việc số liệu công bố ngày 10/2 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng Một tăng 7,5%, vẫn gần mức cao nhất trong 40 năm, có thể kiềm chế đà tăng của giá dầu, khi sức ép gia tăng, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải thắt chặt chính cách tiền tệ.
Giá dầu thế giới ổn định trong phiên giao dịch 10/2 do các thị trường cân nhắc khả năng Mỹ sẽ tăng lãi suất mạnh trong khi nhu cầu năng lượng tăng mạnh hơn. Sau khi tăng hơn 1% trong đầu phiên giao dịch, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 14 xu Mỹ (0,2%) xuống 91,41 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 22 xu Mỹ (0,3%) lên 89,88 USD/thùng.
Giá dầu chốt phiên 9/2 tăng, sau khi số liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô và xăng của nước này giảm trong tuần trước. Giá dầu WTI giao tháng Ba tăng 30 xu Mỹ, hay 0,3%, chốt phiên ở mức 89,66 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng Tư tăng 77 xu Mỹ, hay 0,9%, chốt phiên ở mức 91,55 USD/thùng.
Trước đó, giá dầu giảm hơn 2% trong phiên 8/2, rời khỏi mức đỉnh của 7 năm đạt được gần đây trong bối cảnh việc nối lại các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran có thể hồi sinh một thỏa thuận hạt nhân quốc tế và cho phép có nhiều dầu xuất khẩu hơn từ OPEC. Khép phiên này, giá dầu Brent giảm 1,9 USD (2,1%) xuống 90,78 USD/thùng, còn giá dầu WTI giảm 1,96 USD (2,1%) xuống 89,36 USD/thùng.
Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên đầu tuần 7/2, chủ yếu do những dấu hiệu về tiến triển trong các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran. Phiên này, giá dầu Brent đã giảm 58 xu Mỹ (tương đương 0,6%) xuống 92,69 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng lùi 99 xu Mỹ (1,3%) xuống 91,32 USD/thùng.
Nhà kinh tế trưởng về thị trường tại công ty dịch vụ tài chính Spartan Capital Securities (Mỹ) Peter Cardillo cho biết công ty này vẫn lạc quan và mua vào chờ giá lên 100 USD/thùng trong ngắn hạn.