Mở cửa phiên giao dịch ngày 20/4 (giờ Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giao tháng Năm đã giảm xuống mức 11,04 USD/thùng, là mức thấp nhất kể từ năm 1998. Giá dầu hợp đồng giao tháng Sáu đã giảm 11,9% xuống còn 22,06 USD/thùng.
Trên thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Sáu đã giảm 6,1% xuống mức 26,38 USD/thùng.
Theo nhà phân tích Bjornar Tonhaugen của công ty năng lượng Rystad Energy, sự mất cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường dầu toàn cầu đã được phản ánh qua giá cả. Khi hoạt động sản xuất tiếp tục diễn ra bình thường và các kho trữ dầu đã chứa đủ trong khi thế giới đang sử dụng ngày càng ít dầu, các nhà sản xuất sẽ nhận thấy rõ sự mất cân bằng giữa cung và cầu thể hiện qua giá dầu.
Các tín hiệu này cho thấy đại dịch COVID-19 có thể đã đạt đến đỉnh tại châu Âu và Mỹ đã thất bại trong việc nâng đỡ các thị trường tài chính châu Á và châu Âu nói chung. Thay vào đó, các thương nhân ngày càng trở nên lo ngại rằng các kho lưu trữ dầu đang lên tới mức giới hạn. Các nhà phân tích cho rằng ngay cả các thỏa thuận trong tháng này giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác (OPEC+) về giảm 10 triệu thùng/ngày - lớn nhất từ trước đến nay- cũng tác động rất ít tới giá dầu do các lệnh phong tỏa của các nước cũng như việc thắt chặt các hạn chế đi lại khiến hàng tỷ người phải ở nhà.
Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho biết lượng dầu thô dự trữ của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng 19,25 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 10/4, và điều này càng làm gia tăng những quan ngại về tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ thế giới.
Thị trường chứng khoán cũng sụt giảm mặc dù các chính phủ đã bắt đầu xem xét làm thế nào và thời điểm nào giảm bớt các biện pháp phong tỏa đã làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu.