Theo các chuyên gia, đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ và số liệu cho thấy tuần này các công ty năng lượng Mỹ đã giảm số lượng giàn khoan dầu lần đầu tiên trong ba tuần là những nhân tố giúp hỗ trợ giá dầu.
Chốt phiên này, giá dầu Brent giao tháng Chín đã tăng 1,42 USD (2,3%) lên 63,82 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng Tám tăng 1,09 USD (1,9%) lên 57,34 USD/thùng. Trong phiên trước, giá cả hai mặt hàng này đã giảm hơn 4% do lo ngại về sự giảm tốc của kinh tế thế giới.
Phiên 3/7 đã chứng kiến cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ lập mức cao kỷ lục, trước kỳ vọng gia tăng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có một bước ngoặt lớn hơn về chính sách giữa những số liệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chậm lại.
Trong một báo cáo, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes thuộc General Electric Co cho biết trong tuần tính đến ngày 3/7, tổng số giàn khoan dầu của Mỹ đã giảm 5 giàn khoan xuống còn 788.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác ngoài OPEC trong đó đứng đầu là Nga, hay còn được gọi là OPEC+, ngày 2/7 đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu tới tháng 3/2020. Theo các nhà phân tích từ Citi Research, thỏa thuận gia hạn chương trình cắt giảm sản lượng dầu thô của OPEC + trong chín tháng sẽ giúp giảm lượng dầu tồn kho trong nửa cuối năm nay và đẩy giá dầu lên.
Tuy nhiên, các dấu hiệu cho thấy suy giảm kinh tế toàn cầu có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ, khiến các nhà đầu tư lo lắng, sau khi các chỉ số sản xuất toàn cầu gây thất vọng và Mỹ lại “đe dọa” EU bằng thuế quan.
Barclays dự đoán nhu cầu tiêu thụ “vàng đen”sẽ tăng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2011 với mức tăng chưa tới 1 triệu thùng/ngày trong năm nay. Trong khi đó, Morgan Stanley hạ dự báo giá Brent trong dài hạn từ 65 USD/thùng xuống 60 USD/thùng, đồng thời dự báo thị trường dầu sẽ cân bằng trong năm 2019.