Tuy nhiên, đà tăng của giá "vàng đen" đã bị hạn chế giữa lúc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, dự kiến nới lỏng các mức cắt giảm sản lượng từ tháng 8/2020 khi nền kinh tế toàn cầu dần phục hồi từ cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra.
Khép phiên này, giá dầu Brent tăng 2,1% lên 43,79 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,3% lên 41,2 USD/thùng.
Theo số liệu mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 7,5 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn rất nhiều dự báo giảm 2,1 triệu thùng được các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của hãng tin Reuters đưa ra trước đó.
Phil Flynn, nhà phân tích thuộc Price Futures Group, dự báo dự trữ dầu Mỹ sẽ còn giảm hơn nữa trong những tuần tới. Nguồn cung dầu trong thời gian tới đây sẽ thắt chặt hơn và thị trường đang phát đi các dấu hiệu cho thấy sẽ sớm cần thêm dầu.
Kể từ tháng 5/2020, OPEC+ đã tiến hành cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương 10% nguồn cung dầu toàn cầu, sau khi dịch COVID-19 bùng phát làm giảm 1/3 nhu cầu dầu toàn cầu. Sau tháng 7/2020, mức cắt giảm sản lượng được hạ xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày và dự kiến sẽ được duy trì cho đến tháng 12/2020.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Prince Abdulaziz bin Salman, đi OPEC+ đang bước đến giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận cắt giảm sản lượng vào lúc nhóm này dự kiến nới lỏng các mức cắt giảm khi nhu cầu hồi phục. OPEC ngày 14/7 dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ tăng 7 triệu thùng/ngày vào năm 2021 sau khi giảm 9 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Phiên này, giá dầu còn được hỗ trợ bởi việc thị trường dự báo sớm có thông tin về loại vắc-xin phòng ngừa COVID-19. Dù vậy, giới đầu tư vẫn đang thận trọng trước sự gia tăng về số ca nhiễm mới tại Mỹ và các quốc gia khác.