Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 4,83 USD xuống 88 USD/thùng, ghi dấu lần đầu tiên kể từ ngày 8/2 giá dầu giao dịch dưới mốc 90 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) giảm 4,94 USD (5,7%) xuống 81,94 USD, mức thấp nhất kể từ tháng Một.
Số liệu kinh tế yếu đi của Trung Quốc và chính sách “Không COVID” đã đào sâu những lo ngại về nhu cầu. Thống kê từ hải quan cho thấy trong tháng Tám nhập khẩu dầu thô của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước.
Chuyên gia Phil Flynn của hãng phân tích thị trường Price Futures Group (Mỹ) nhận định các nhà đầu tư đang lo ngại về hậu quả do đà tăng vọt của giá năng lượng tại châu Âu, sự giảm tốc nhu cầu tại lục địa này và chính sách tăng lãi suất.
Sau lệnh trừng phạt mới, tập đoàn Gazprom của Nga đã ngừng cung cấp khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch cảnh báo động thái này sẽ làm tăng khả năng suy thoái trong tại Khu vực đồng euro.
Một số ngân hàng trung ương thế giới dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát. Song, các nhà kinh tế nhận định Mỹ có khả năng chống chịu tốt hơn trước những cơn bão. Điều này đã thúc đẩy đồng USD lên mức cao nhất trong 24 năm so với đồng yen và mức cao nhất trong 37 năm so với đồng bảng Anh. Đồng bạc xanh mạnh hơn đã gây sức ép lên giá dầu.