Vào lúc 13 giờ 44 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 1,08 USD (1,2%) xuống 91,75 USD/thùng, sau khi giảm 3% trong phiên trước. Giá mặt hàng này có lúc đã giảm xuống 91,20 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 18/2. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,20 USD (1,4%) xuống 85,68 USD/thùng, sau khi có lúc rơi xuống 85,08 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 26/1.
Trong phiên 5/9, giá dầu đã tăng mạnh sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, quyết định cắt giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày trong tháng Mười.
Edward Moya, nhà phân tích tại công ty dịch vụ môi giới OANDA có trụ sở tại New York (Mỹ), cho biết những thách thức đối với kinh tế toàn cầu đã làm lu mờ chính sách giảm sản lượng của OPEC+. Chính sách phong tỏa để kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới và đồn đoán về các đợt tăng lãi suất đã đào sâu mối lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.
Tina Teng, một nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính CMC Markets, có trụ sở tại Anh, cho rằng đà tăng của đồng USD, lãi suất, lợi tức trái phiếu và sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc là những yếu tố gây sức ép lên giá dầu.
Hiện các nhà đầu tư đang chờ đợi các đợt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Ngân hàng Trung ương châu Âu dự kiến sẽ tăng mạnh lãi suất khi nhóm họp ngày 8/9. Sau cuộc họp của ECB, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nhóm họp vào ngày 21/9.
Trong phiên 7/9, đồng USD đã chạm mức cao nhất trong 24 năm so với đồng yen sau khi số liệu của kinh tế Mỹ củng cố quan điểm rằng Fed sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Dự trữ dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ giảm tuần thứ tư liên tiếp trong tuần tính đến ngày 2/9. Một cuộc khảo sát sơ bộ của hãng Reuters đã ước tính về mức giảm khoảng 733.000 thùng. Theo dữ liệu từ Bộ Năng lượng, trong tuần tính đến ngày 2/9 dự trữ dầu thô trong Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) của Mỹ đã giảm 7,5 triệu thùng xuống 442,5 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 11/1984.