Chiều phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 2,42 USD, tương đương 2,6%, lên 95,44 USD/thùng, sau khi tăng 0,7% vào phiên cuối tuần trước. Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ đứng ở mức 88,92 USD/thùng, tăng 2,05 USD, tương đương 2,4%, sau khi tăng 0,3% trong phiên trước.
Tại cuộc họp diễn ra vào cuối ngày 5/9, OPEC + có thể quyết định giữ nguyên mức sản lượng hiện tại hoặc thậm chí cắt giảm sản lượng để thúc đẩy giá dầu, mặc dù nguồn cung vẫn khan hiếm.
Tina Teng, một nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính CMC Markets (Vương quốc Anh), cho biết: “OPEC+ rất có thể sẽ giữ mức sản lượng vừa đủ để giữ giá dầu đứng vững trong bối cảnh nhu cầu bị gián đoạn do các đợt phong tỏa mới ở một số khu vực của Trung Quốc”.
Trong khi đó, Wall Street Journal đưa tin, Nga- nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới và là thành viên quan trọng của OPEC+, không ủng hộ việc cắt giảm sản lượng vào thời điểm này và OPEC+ có khả năng sẽ giữ sản lượng ổn định khi tại cuộc họp ngày 5/9.
Bất chấp khả năng cắt giảm sản lượng, bà Teng chỉ ra rằng rủi ro giá dầu giảm vẫn còn, với lượng dầu xuất khẩu tiềm năng từ Iran khi các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân đang diễn ra và những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu tác động xấu đến nhu cầu tiêu thụ.
Giá dầu đã giảm trong ba tháng liên tiếp vừa qua, sau khi chạm mức cao nhất trong nhiều năm vào tháng Ba năm nay, do lo ngại rằng việc tăng lãi suất và các hạn chế liên quan đến COVID-19 ở một số khu vực của Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế ở trung tâm công nghệ phía Nam của Trung Quốc là Thâm Quyến đã giảm bớt vào ngày 5/9, khi số ca lây nhiễm COVID-19 mới có dấu hiệu ổn định.