Giá dầu châu Á đi lên trước thềm cuộc họp OPEC+
Trong phiên giao dịch chiều 2/9, giá dầu châu Á đi lên trong bối cảnh thị trường kỳ vọng rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+) sẽ thảo luận về việc cắt giảm sản lượng tại cuộc họp dự kiến tổ chức vào ngày 5/9 tới.
Cụ thể, vào lúc 16 giờ 00 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent kỳ hạn đã tăng 2,72 USD (2,9%) lên 95,08 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng tiến 2,62 USD (3%) lên 89,23 USD/thùng. Trong phiên giao dịch trước, giá dầu Brent và WTI đã giảm 3%, xuống mức thấp nhất của hai tuần.
OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 5/9, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng dự kiến sẽ giảm mặc dù nhà sản xuất hàng đầu là Saudi Arabia cho biết nguồn cung vẫn đang eo hẹp. Cuộc họp của OPEC+ diễn ra trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều lo ngại về các biện pháp kiểm soát đại dịch COVID-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc và xu hướng tăng trưởng yếu trên toàn cầu.
Craig Erlam, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao thuộc công ty tài chính OANDA, cho biết: "Giá dầu đã tăng cao (trong phiên 2/9) sau khi giảm xuống gần các mức thấp nhất của mùa Hè trong suốt tuần qua. Sự phục hồi diễn ra giữa lúc các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Mỹ bị đình trệ".
"Việc hai nước đạt được một thỏa thuận sẽ mang đến rủi ro giảm giá lớn đối với thị trường dầu, điều mà Saudi Arabia đang tìm cách ngăn ngừa với những cảnh báo cắt giảm sản lượng”.
Trong tuần qua, OPEC+ đã điều chỉnh dự báo về thị trường trong năm nay. Theo đó, chênh lệch giữa cung và cầu (cung nhỏ hơn cầu) được kỳ vọng giảm xuống 400.000 thùng dầu/ngày (bpd), từ mức ước tính 900.000 thùng/ngày trước đó. Liên minh này dự kiến thâm hụt của năm 2023 sẽ là 300.000 thùng/ngày.
Ngoài ra, thị trường cũng đang theo dõi đề xuất áp giá trần đối với xuất khẩu dầu của Nga.
Giá vàng vượt ngưỡng tâm lý 1.700 USD/ounce
Giá vàng châu Á đã tăng vượt ngưỡng tâm lý quan trọng 1.700 USD/ounce trong phiên giao dịch chiều 2/9, giữa bối cảnh đồng USD tạm ngừng tăng và giới đầu tư chờ đợi dữ liệu việc làm quan trọng của thị trường Mỹ.
Cụ thể, vào lúc 16 giờ 26 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đã tăng 0,5% lên mức 1.704,90 USD/ounce. Mặc dù vậy, giá kim loại quý này đã giảm 2% trong tuần qua, chạm mức thấp nhất của 6 tuần là 1.687,60 USD/ounce hôm 1/9.
Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,4% lên 1.716,30 USD/ounce.
Carlo Alberto De Casa, chuyên gia phân tích của công ty quản lý tài chính Kinesis Money nhận định: "Đồng USD giảm nhẹ đã đẩy giá vàng lên, song kim loại này không có nhiều không gian để phục hồi giữa bối cảnh các thị trường đang kỳ vọng lãi suất sẽ liên tục tăng cao”.
Chuyên gia này cũng cho rằng một dữ liệu việc làm vững chắc sẽ tạo ra thêm áp lực để Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Điều này là tiêu cực đối với thị trường vàng".
Cũng trong phiên 2/9, đồng USD đã giảm nhẹ 0,3% từ mức đỉnh của 20 năm được thiết lập trong phiên trước đó.
Tại Việt Nam, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 65,85 - 66,65 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) trong ngày 2/9.