Giá dầu thế giới giảm ngay cả khi dự trữ dầu thô của Mỹ giảm

Giá dầu mỏ thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày 2/9 ngay cả sau khi số liệu được công bố cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến trong tuần trước.

Chú thích ảnh
Một cơ sở lọc dầu ở Tula, bang Hidalgo, Mexico. Ảnh: AFP/TTXVN

Khép phiên giao dịch, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 10/2020 giảm 1,25 USD xuống còn 41,51 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 11/2020 giảm 1,15 USD xuống 44,43 USD/thùng. 

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của nước này đã giảm 9,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 28/8, nhiều hơn so với mức dự báo giảm 1,2 triệu thùng của các nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát của S&P Global Platts. Với mức 498,4 triệu thùng, dự trữ dầu thô của Mỹ cao hơn 14% so với mức trung bình cùng kỳ 5 năm qua. 

EIA cũng cho hay sản lượng dầu thô của Mỹ đạt trung bình 9,7 triệu thùng/ngày trong tuần trước, giảm 1,1 triệu thùng so với tuần trước đó.

Tuy nhiên, theo EIA, cả xuất khẩu và nhập khẩu dầu thô của Mỹ đều giảm trong tuần tính đến ngày 28/8, trong đó nhập khẩu trung bình 4,9 triệu thùng/ngày, giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày và xuất khẩu trung bình 3 triệu thùng/ngày, giảm khoảng 361.000 thùng/ngày.

Như vậy, trong 4 tuần qua, nhập khẩu dầu thô của Mỹ trung bình 5,5 triệu thùng/ngày, giảm khoảng 1,4 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi xuất khẩu trung bình khoảng 2,9 triệu thùng/ngày, tăng khoảng 19.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong khi đó, chỉ số chứng khoán tại thị trường Phố Wall tiếp tục đi lên trong phiên giao dịch ngày 2/9, sau khi Mỹ công bố các báo cáo cho thấy số việc làm thuộc khu vực tư nhân nước này đã tăng trong tháng trước, mặc dù với tốc độ chậm hơn nhiều so với dự kiến.

Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 454,84 điểm (1,59%), lên 29.100,5 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tiến 54,19 điểm (1,54%) lên 3.580,84 điểm. Đây là phiên tăng điểm thứ chín của chỉ số S&P 500 trong 10 phiên qua.

Trong khi đó, chỉ số công nghê Nasdaq Composite cộng thêm 116,78 điểm (0,98%), lên 12.056,44 điểm. Như vậy, cả chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đều xác lập mức cao kỷ lục mới, với Nasdaq Composite vượt ngưỡng 12.000 điểm lần đầu tiên. Dow Jones cũng ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 14/7 vừa qua. S&P 500 cũng chứng kiến phiên giao dịch tốt nhất kể từ ngày 6/7.

Lindsey Bell, chiến lược gia đầu tư chính tại Ally Invest, nhận định mặc dù phần lớn đà tăng của thị trường chứng khoán từ mức thấp nhất hồi tháng 3/2020 đã được thúc đẩy bởi chính sách của FED, song các nhà đầu tư có thể vẫn đang phản ứng với thông báo về chiến lược chính sách tiền tệ vừa được FED đưa ra tuần trước.

Cụ thể, FED thông báo sẽ để lạm phát gia tăng, qua đó giúp nền kinh tế tạo ra nhiều việc làm hơn nhằm mang lại lợi ích cho tất cả người lao động, đặc biệt là những hộ gia đình có mức thu nhập thấp. Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết lạm phát có thể duy trì trên 2% "trong một thời gian".

Phương Hoa (TTXVN)
Xuất khẩu dầu thô của Saudi Arabia giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 6/2020
Xuất khẩu dầu thô của Saudi Arabia giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 6/2020

Tổ chức Sáng kiến dữ liệu chung về dầu mỏ (JODI) ngày 20/8 công bố số liệu cho thấy xuất khẩu dầu thô của Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, đã tiếp tục giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 6/2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN