Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 3,71 USD, tương đương 3,4% lên 114,20 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 7/2022 tăng 2,69 USD (2,4%), lên 114,24 USD/thùng.
Cùng ngày, một quan chức Trung Quốc cho biết, Thượng Hải đặt mục tiêu mở cửa trên diện rộng trở lại và cho phép cuộc sống bình thường hóa đối với 25 triệu cư dân của thành phố từ ngày 1/6 tới, sau khi tuyên bố rằng 15 quận trong số 16 quận của thành phố Thượng Hải đã không ghi nhận các ca nhiễm nằm ngoài khu vực cách ly.
Tuy nhiên, ước tính có 46 thành phố ở Trung Quốc vẫn đang bị phong tỏa xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động mua sắm, hoạt động sản xuất và nhu cầu sử dụng năng lượng.
Cùng với việc sản lượng công nghiệp của Trung Quốc bất ngờ giảm mạnh trong tháng 4/2022, dầu thô tinh chế của Trung Quốc giảm 11%, với sản lượng dầu tinh chế hàng ngày ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.
Giá xăng kỳ hạn của Mỹ cũng thiết lập lại mức cao kỷ lục vào phiên 16/5, khi kho dự trữ giảm làm gia tăng lo ngại về nguồn cung. Dữ liệu từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy, các kho dự trữ dầu chiến lược của nước này đã giảm xuống còn 538 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ năm 1987.
Giá dầu cũng được hỗ trợ khi các nhà ngoại giao và quan chức Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ sự lạc quan đạt được một thỏa thuận cấm vận từng giai đoạn đối với dầu của Nga, bất chấp những lo ngại về nguồn cung ở Đông Âu.
Áo kỳ vọng EU sẽ thống nhất về các lệnh trừng phạt trong những ngày tới. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock, cho biết khối này cần thêm vài ngày để đạt được thỏa thuận.
Naohiro Niimura, một đối tác tại công ty tư vấn Market Risk Advisory(Mỹ) , nhận định: “Với lệnh cấm vận theo kế hoạch của EU đối với dầu của Nga và sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng chậm, giá dầu dự kiến sẽ duy trì ở mức hiện tại gần 110 USD/thùng”.