Phiên đầu tuần này (ngày 9/3), giá dầu thế giới nối dài đà giảm từ cuối tuần trước và chứng kiến ngày sụt giá mạnh nhất kể từ Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, khi cả hai loại dầu chủ chốt là dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) và dầu Brent Biển Bắc đồng loạt giảm gần 25%. Nguyên nhân chính dẫn tới đà giảm mạnh của giá “vàng đen” trong phiên này là do hai nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới là Saudi Arabia và Nga bắt đầu bước vào cuộc chiến giá dầu, đe dọa sẽ khiến nguồn cung dầu toàn cầu dôi dư quá mức. Động thái trên diễn ra sau khi OPEC và các nhà sản xuất liên minh, do Nga dẫn đầu, không đạt được sự nhất trí về việc cắt giảm thêm sản lượng “vàng đen” tại cuộc họp cuối tuần qua.
Sự phục hồi của thị trường chứng khoán đã giúp giá dầu “nhích” nhẹ trong phiên giao dịch ngày 10/3, trước khi tiếp tục đi xuống trong hai phiên giao dịch liền sau đó, giữa bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, trong khi OPEC và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đều cắt giảm dự báo nhu cầu dầu vì sự bùng phát của dịch bệnh này.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/3, giá dầu WTI giao tháng 4/2020 tại thị trường New York tăng 23 xu Mỹ (tương đương 0,7%) lên 31,73 USD/thùng. Giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 5/2020 tại thị trường London cũng tiến 63 xu (tương đương 1,9%) lên 33,85 USD/thùng. Tính chung cả tuần qua, giá dầu WTI mất 23%, còn giá dầu Brent lao dốc 25% - đều đánh dấu tuần sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 2008.
Bộ Năng lượng Saudi Arabia mới đây đã yêu cầu Tập đoàn sản xuất dầu mỏ Saudi Aramco nâng sản lượng từ 12 triệu thùng/ngày lên 13 triệu thùng/ngày. Công ty dầu khí quốc gia ADNOC của UAE cũng cho biết họ sẽ tăng nguồn cung dầu thô lên hơn 4 triệu thùng/ngày trong tháng Tư. Công ty cũng sẽ đẩy nhanh kế hoạch tăng sản lượng lên 5 triệu thùng/ngày, dù đây là mục tiêu mà ADNOC trước đó dự định đạt được vào năm 2030.
Chuyên gia phân tích Michael Lynch của Strategic Energy & Economic Research, nhận định, thị trường dầu mỏ đang phản ứng chính xác với những dự báo rằng đại dịch COVID-19 sẽ làm giảm nhu cầu dầu trên toàn cầu khoảng 2-3 triệu thùng/ngày ít nhất trong vài tuần tới, trong khi Nga và Saudi Arabia có thể gia tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày hoặc nhiều hơn, tạo ra lượng tồn kho khổng lồ lên tới 100-150 triệu thùng/tháng.
Bên cạnh đó, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về áp đặt lệnh hạn chế đi lại từ các nước châu Âu đến Mỹ đã góp phần tăng sức ép lên giá dầu do sự ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu nhiên liệu.
Cũng trong phiên giao dịch cuối tuần này, giá xăng giao tháng 4/2020 nhích 0,2% lên 89,92 xu/gallon, nhưng vẫn lao dốc 35% trong tuần qua, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2005. Giá khí tự nhiên giao tháng 4/2020 cộng 1,5% lên 1,869 USD/MMBtu. Tuần qua, giá mặt hàng này đã tăng 9,4%. Trong khi đó, giá dầu sưởi ấm giao tháng Tư mất 1,9% còn 1,1374 USD/gallon và sụt gần 18% trong tuần qua.